MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù lượng khách đến chợ đông hơn trước, tuy nhiên, việc kinh doanh của tiểu thương vẫn èo uột. Ảnh: Bích Ngọc

Tiểu thương khu chợ dưới lòng đất ở Hà Nội ế ẩm, bán cả ngày được 40.000 đồng

VÂN HI LDO | 25/10/2023 07:57

Hà Nội - Việc buôn bán của các tiểu thương chợ Mơ èo uột, cầm chừng. Nhiều người rơi vào cảnh khổ sở vì buôn bán trong điều kiện khó khăn.

Khách đông nhưng vẫn ế

Chúng tôi tìm đến chợ Mơ (phố Bạch Mai, Hà Nội) vào đầu giờ sáng, thông thường đây là thời điểm chợ tấp nập nhất, tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng người tiêu dùng không quá đông. Mặc dù vậy, theo các tiểu thương lượng khách như hiện tại thì đã đông hơn trước.

Bà B.T.N tiểu thương bán quần áo tại chợ cho biết: "Xuống hầm bán từ năm 2014 đến nay, ban đầu không có người lui tới nên ế ẩm. Bây giờ, khách xuống chợ ăn, may quần áo cũng nhiều hơn so với trước".

Theo bà N, mặc dù, lượng khách đến nhiều hơn nhưng việc kinh doanh của các tiểu thương vẫn đìu hiu, ế ẩm, nhiều kiốt vẫn đóng cửa, phủ bạt đóng kín.

"Khách đến nhiều hơn trước thì gọi là khả quan nhưng thực tế mà nói đa số là dân văn phòng, người dân khu vực đến ăn vì đồ ăn rẻ. Chiều chiều thì có các cô chú trung niên đi dạo, đa số họ sống bằng lương hưu trí, tiền con cái cho thì có bao nhiêu đâu mà mua sắm" - bà N nói.

Một tiểu thương kinh doanh giày dép (xin được giấu tên) tại chợ cho biết: "Hôm trước, cả ngày tôi bán 2 đôi dép được 40.000 đồng, hôm sau cả ngày bán được một đôi, bán được là mừng rồi, có còn hơn không. Còn buổi trưa ở đây có thể kê giường xếp ra ngoài lối đi để ngủ vì vắng khách".

Chật vật vì muôn cái khổ

Được đánh giá là có nhiều lợi thế vì chợ Mơ nằm ngay trục giao thông kinh doanh chính truyền thống của Hà Nội. Tuy nhiên, các tiểu thương nơi đây vẫn chật vật vì buôn bán trong điều kiện khó khăn.

Trao đổi với Lao Động, bà B.T.N cho biết, những ngày thời tiết nóng bức, khu chợ càng trở nên bức bí: "Trời mát thì đỡ, chứ hôm nắng gắt, bóng đèn thì cứ bật suốt nên không khí ngột ngạt. Quạt thì để đó nhưng ít ai dám bật, tôi thì có hôm cả ngày bán được một bộ quần áo, lời được 20.000 đồng, bật quạt thì còn gì lời lãi nữa".

Theo các tiểu thương, kinh doanh khó khăn nên chỉ dám bật đèn, ít khi sử dụng quạt. Ảnh: Bích Ngọc

Bên cạnh đó, mặc dù hàng hóa đa dạng nhưng theo các tiểu thương, do nằm ở tầng hầm nên khách khó tìm đến kéo theo việc kinh doanh càng khó khăn.

"Người ta mua đồ thì cứ tiện đâu mua đó, chứ xuống hầm vừa tốn tiền gửi xe mà còn tốn công. Những người bán gần lối đi lên xuống thì đỡ còn bán heo hút bên trong tầng hầm thì rất khổ. Nhiều người vì thua lỗ mà đóng cửa, sang lại kiốt, tôi ước chừng 1/3 kiốt ở đây đóng cửa vì lỗ vốn rồi" - bà N.T.K tiểu thương tại chợ Mơ nói.

Một góc chợ nhếch nhác vì vắng bóng tiểu thương. Ảnh: Bích Ngọc

Theo bà K, mỗi ngày bán được một bộ quần áo, vài đôi dép trong khi tiền điện, mặt bằng vẫn phải trả nên thường là lấy tiền nhà để ăn, còn tiền lời bán hàng thì không đủ.

"Ở đâu mà không có cạnh tranh, nhưng tôi nghĩ nếu như kinh doanh trên mặt đất như chợ khác, người ta dễ thấy, thì còn tiện ghé mua. Nhưng vì buôn bán ở đây mấy chục năm rồi, tôi cũng không thể bỏ chợ, đành tới đâu hay tới đó" - bà K bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn