MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh doanh ế ẩm, người đọc báo, người tập kinh doanh trên mạng để có thu nhập đóng phí thuê mặt bằng. Ảnh: Hoàng Lộc

Tiểu thương khu chợ lớn nhất Vĩnh Long cả ngày đọc báo, tối dọn hàng về

HOÀNG LỘC LDO | 29/12/2023 20:21

Là khu chợ truyền thống loại I duy nhất của tỉnh, nhưng từ năm 2021 đến nay, lượng khách đến chợ Vĩnh Long ngày càng giảm, nhiều tiểu thương ở khu bách hóa tổng hợp đã nghĩ đến việc từ giã kinh doanh theo hình thức truyền thống.

Bà Trần Kim Mai - chủ sạp quần áo ở khu bách hóa tổng hợp chợ Vĩnh Long - cho biết, bà đã có hơn 40 năm kinh doanh quần áo, nhưng hơn 2 năm qua số khách đến mua hàng ngày càng ít, chỉ bằng 2/10 so với trước đây.

Theo bà Mai, trước đây những dịp lễ tết, bà đứng bán khách đông không có thời gian dùng cơm. Còn giờ đây, có ngày không bán được một khách hàng.

“Trong thời gian không có khách hàng, tôi chọn đọc các tờ báo tìm hiểu chủ trương, chính sách xem có gì mới để áp dụng, có thể kinh doanh được thuận tiện hơn”, bà Mai cho biết thêm.

Cũng ăn nên làm ra từ sạp giày dép của mình, bà Trần Thị Tươi là một trong những tiểu thương phải trả bớt sạp hàng để tiết kiệm chi phí hàng tháng, duy trì hoạt động được lâu hơn.

Bà Tươi cho biết, trước đây bà thuê 3 quầy liền kề trưng bày đa dạng các loại giày dép, có không gian rộng rãi để khách hàng thoải mái lựa chọn và mua sản phẩm. “Nhưng hơn 2 năm qua khách hàng ngày một thưa dần. Hàng tháng tôi phải xin tiền của con trai để đóng phí mặt bằng gần 1 triệu đồng”, bà Tươi cho biết thêm.

Chịu chung cảnh buổi sáng dọn hàng ra, buổi chiều cất hàng vào, không có một người mua, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, ngoài lo tiền mặt bằng, tiền điện, tiền nước bà cũng phải lo đến việc nhập các loại quần, áo mới về mà không bán được sẽ trở nên lỗi thời.

Theo bà Hoa, việc buôn bán chậm hơn là không tránh khỏi khi tình hình kinh tế khó khăn, mọi người đều tiết kiệm chi tiêu, hạn chế mua sắm. “Tôi cũng đang tập đăng bán trên các trang mạng xã hội để có thu nhập, chi trả mặt bằng hàng tháng”, bà Hoa cho biết thêm.

Lượng khách hàng đến các sạp quần áo truyền thống tại chợ Vĩnh Long ngày càng ít. Ảnh: Hoàng Lộc

Ngày 29.12, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Thanh Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long - cho biết, khu bách hóa tổng hợp có hơn 200 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng như quần áo, giày dép, thiết bị điện tử...

Theo ông Tùng, các hộ tiểu thương vẫn bày bán các mặt hàng theo đăng ký, nhưng số lượng khách đến mua đã giảm hơn 70% so với trước đây. Ngoài tiết kiệm do kinh tế khó khăn, người dân còn có nhiều lựa chọn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trang thương mại điện tử… nên việc mua bán tại khu bách hóa của chợ truyền thống trở nên ế ẩm.

Cũng theo ông Tùng, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, Ban quản lý chợ Vĩnh Long đã tuyên truyền và mở lớp tập huấn để các hộ tiểu thương áp dụng kinh doanh theo hình thức online trên các trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.

“Hiện tại, việc ứng dụng thương mại điện tử của các tiểu thương còn gặp khó. Số tiểu thương thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đa số là người lớn tuổi, chưa biết đến thương mại điện tử là gì, quá trình tiếp cận còn rất hạn chế”, ông Tùng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn