MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ mới xây ở địa bàn thị trấn Pơng Drang trong tình trạng vắng lặng, ế ẩm vì chợ tạm bên ngoài vẫn ngang nhiên hoạt động, chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Bảo Trung

Tiểu thương lỗ nặng khi chợ mới ở Đắk Lắk xây xong không ai đến

BẢO TRUNG LDO | 15/03/2024 13:09

Đắk Lắk - Sau rất nhiều cuộc họp làm việc của cơ quan chức năng huyện Krông Búk, tình trạng chợ tạm, điểm kinh doanh trái phép cũng như giải quyết việc bồi thường của 80 tiểu thương ở thị trấn Pơng Drang vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngày 15.3, lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) thông tin, vừa tổ chức buổi đối thoại giải quyết đơn thư kiến nghị của các tiểu thương ở chợ mới Pơng Drang.

Tại buổi đối thoại, đơn vị và lãnh đạo UBND thị trấn đã giải đáp các nội dung kiến nghị của các tiểu thương. Sau đó, những ý kiến của các tiểu thương sẽ được đơn vị trình lãnh đạo UBND huyện xử lý.

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Bảo Trung

Theo đơn kiến nghị mới nhất từ tập thể các tiểu thương, từ ngày chợ Pơng Drang mới xây chính thức mở cửa đi vào hoạt động ngày 25.9.2021, các tiểu thương đã đến kinh doanh buôn bán hơn 3 năm nay.

Nhưng do chợ Pơng Drang (chợ cũ tự phát - PV) nằm ở tổ dân phố 5 vẫn chưa được đóng cửa cũng như các chợ tạm, tự phát, không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thị trấn vẫn chưa được giải tỏa nên tiểu thương mới không thể kinh doanh buôn bán được, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và tinh thần.

Theo đơn, tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ, kiểm kinh doanh tự phát dọc theo hai bên đường Quốc lộ 14, tỉnh lộ 688... trên địa bàn thị trấn Pơng Drang vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép và quy mô hoạt động ngày càng lớn gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Tại buổi đối thoại với cơ quan chức năng của UBND huyện Krông Búk, anh P.V.Đ (tiểu thương ở chợ mới Pơng Drang) - chia sẻ: "Tôi và mẹ đã bỏ ra số tiền lớn để thuê ki ốt và sạp hàng hóa buôn bán bên trong chợ mới. Sau gần 3 năm hoạt động vì không ai đến chợ mới mua sắm (vì còn chợ tạm hoạt động trái phép - PV), tôi đã phải sang lại một số hàng hóa, vật dụng do thua lỗ quá nhiều. Chỉ tính riêng tiền lãi ngân hàng đã tốn hơn 100 triệu đồng.

Tôi đã chờ mòn mỏi, viết đơn thư kêu cứu tới 4 lần nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm. Vẫn biết sớm muộn chợ cũ cũng sẽ được dẹp và chợ mới sẽ hoạt động ổn định nhưng nếu chờ quá lâu thì càng lỗ vốn, không gồng gánh được tiền lãi ngân hàng chất chồng mỗi năm".

Hay như bà T.T.C năm nay đã 70 tuổi gom góp tiền để thuê một sạp nhỏ bên trong chợ mới để bán rau với thời hạn 50 năm. Tuổi già, bà C chỉ mong có một nơi ổn định bán buôn sống qua ngày, kiếm tiền sinh hoạt. Nhưng từ ngày dọn về bán ở chợ mới, từ hy vọng, bà C hóa suy sụp vì quá ế ẩm, vốn liếng bỏ ra chẳng mấy chốc đã không cánh mà bay trong khi chưa thu lại đồng lãi nào. Bà C cũng như bao tiểu thương khác, kiến nghị UBND huyện, thị trấn rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài từ năm 2021 đến nay.

Trong hơn 2 năm qua, Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh về thực trạng nói trên. Ngày 13.12.2023, cơ quan chức năng UBND huyện Krông Búk đã bố trí lực lượng tổ chức giải tỏa các chợ tự phát, các điểm kinh doanh không đúng quy hoạch, sai quy định trên địa bàn thị trấn Pơng Drang. Tuy nhiên, đến cuối giữa tháng 3.2024, tình trạng chợ tạm, điểm kinh doanh trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của hơn 80 tiểu thương trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn