MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ế ẩm là tình trạng chung ở các chợ truyền thống TPHCM thời điểm này. Ảnh: Ngọc Lê

Tiểu thương tại TPHCM vẫn ngại chuyển đổi hình thức kinh doanh dù ế ẩm

HẠ MÂY LDO | 03/03/2024 07:01

Hiện nay, ế ẩm là tình trạng chung của nhiều ngành hàng tại các chợ truyền thống ở TPHCM. Thế nhưng, không ít tiểu thương vẫn bán hàng qua kênh truyền thống và ngại chuyển đổi hình thức mới.

Buôn bán tại chợ Tân Định (Quận 1) hơn 40 năm, bà Liễu chủ yếu bán cho khách mua trực tiếp tại chợ và khách quen qua zalo. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhu cầu mua sắm của người dân giảm khiến tình hình kinh doanh của bà Liễu cũng ế ẩm hơn.

“Giờ dọn hàng ra bán ngồi cả ngày không có khách mở hàng là chuyện bình thường. Để bán qua các kênh thương mại điện tử thì tôi khó thực hiện bởi tuổi tác cao, các thao tác trên điện thoại cũng khó nên đành chấp nhận” - bà Liễu chia sẻ.

Tương tự, bà Đặng Hoài Thanh - tiểu thương buôn bán tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) - chia sẻ: “Bây giờ xu hướng mua sắm thay đổi nên những người bán hàng trẻ tại chợ đều kinh doanh online, doanh thu cũng ổn định. Tôi xưa nay vẫn bán hàng qua kênh truyền thống nên cũng ngại chuyển đổi vì việc kinh doanh qua các kênh online cần nhiều người hỗ trợ”.

Lác đác khách xem hàng tại một số ngành hàng ở chợ Tân Định. Ảnh: Ngọc Lê

Theo ghi nhận của Lao Động, tình trạng ế ẩm của tiểu thương một số ngành hàng tại các chợ truyền thống đã diễn ra nhiều tháng nay. Để khắc phục tình trạng này, một số tiểu thương đã chủ động chuyển đổi hình thức tiếp cận khách hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiểu thương do tuổi tác và tâm lý ngại thay đổi nên việc kinh doanh cũng trở nên khó khăn hơn.

Phía Sở Công Thương TPHCM cũng nhận định, trong cơ cấu thương mại điện tử, hoạt động về mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng xã hội có sự phát triển mạnh, đơn cử như hình thức livestream bán hàng đáp ứng nhu cầu của cả người tiêu dùng và người bán hàng.

“Hoạt động thương mại điện tử làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream bán hàng, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn” - ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM thông tin.

Sắp tới, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho thương nhân, đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, cụ thể là chuỗi các hoạt động livestream tại chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn