MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng dụng TikTok (ảnh minh họa).

TikTok: Lệnh cấm, vận đen và lo ngại bảo mật còn ở phía trước…

Thế Lâm LDO | 03/01/2020 19:05

Ứng dụng video ngắn TikTok tiếp tục bị thêm nhiều rào cản mới vì những lo ngại về an ninh tại một số quốc gia. Vấn đề lớn nhất TikTok gặp phải cũng không khác nhiều với vấn đề của Huawei: Việc lưu trữ dữ liệu ở đâu và lo ngại người dùng bị theo dõi.

Tiếp tục bị lệnh cấm

Suốt nhiều tháng qua, sau Huawei đến lượt TikTok bị Quốc hội và một số cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ “soi” về vấn đề truyền và lưu trữ dữ liệu về Trung Quốc cùng với mối nghi ngại có liên hệ với chính phủ nước này.

Trước đây, TikTok từng gặp phải những lệnh cấm tạm thời tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… vì có một số nội dung phản cảm, độc hại gây lo ngại ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.  

Mới nhất, sau lệnh cấm sử dụng trong lực lượng hải quân, lực lượng lục quân Mỹ cũng ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên những thiết bị do chính phủ cung cấp nhằm tránh bị thu thập dữ liệu nhạy cảm và vấn đề an ninh mạng. Liền sau đó, một cuộc điều tra về TikTok cũng được mở ra tại Hàn Quốc liên quan tới lo ngại bảo mật khi có tới 4 triệu người sử dụng TikTok tại quốc gia này.

Trên toàn cầu, TikTok hiện có hơn 660 triệu người dùng hàng tháng và hơn 1 tỉ người đăng ký sử dụng. Tại Mỹ, nơi TikTok đang bị đặt vấn đề gây lo ngại về an ninh mạng nhiều nhất, cũng có đến vài chục triệu người dùng TikTok. Theo một thống kê được đưa ra vào quý I/2019, TikTok Việt Nam cho biết hiện có khoảng 12 triệu người dùng.

Dấu hỏi về lưu trữ và sử dụng dữ liệu

Trước TikTok từng có những công ty, doanh nghiệp bị đặt vấn đề thu thập dữ liệu người dùng trên thế giới và chia sẻ với chính phủ, buộc các doanh nghiệp này phải tính toán tới việc minh bạch hóa việc thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng.

Cụ thể vào tháng 5.2018, Kaspersky - một hãng bảo mật của Nga - đã phải công bố việc xây dựng trung tâm minh bạch dữ liệu tại Thụy Sĩ. Một trường hợp khác là hãng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc, trước các cáo buộc về việc chuyển dữ liệu người dùng về Trung Quốc và có mối liên hệ với chính phủ, hãng này đã phải chuyển trung tâm lưu trữ dữ liệu sang Mỹ và Singapore với việc thuê dịch vụ lưu trữ đám mây của Amazon Web Services (Mỹ) vào năm 2014…

Với TikTok, các cáo buộc về gây lo ngại an ninh mạng có lẽ ở mức nghiêm trọng hơn. Hãng này gần đây buộc phải tách ứng dụng TikTok ra khỏi Công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, đồng thời đang tìm kiếm nơi đặt trụ sở mới tại Singapore, London (Anh) hoặc Dublin  (Ailen).

Theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar, việc những doanh nghiệp bị đặt vấn đề gây lo ngại về bảo mật buộc phải có tiến trình minh bạch hóa để xua tan mối lo ngại một khi doanh nghiệp đang trong quá trình quốc tế hóa là điều cần phải làm. Trung tâm dữ liệu được đặt ở Mỹ hay Châu Âu với luật pháp sở tại và các tiêu chuẩn bảo mật cao hơn, bảo vệ thông tin người dùng nghiêm ngặt hơn sẽ tạo nên sự yên tâm hơn trong cộng đồng.

Tuy nhiên ông Đức cũng cho rằng, quan trọng là các doanh nghiệp đó phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người dùng. Bởi cho dù trung tâm dữ liệu có đặt ở đâu thì dữ liệu vẫn nằm trong tay của doanh nghiệp đó mà thôi.   

Như vậy bản chất vấn đề là thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng như thế nào là quan trọng nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn