MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm cách đưa tiền ra nền kinh tế

Lan Hương LDO | 23/06/2023 10:22

Con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm vẫn ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành 4 lần nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, tiền vẫn không ra được nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn kiên định với mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay.  

Ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay

Tính đến ngày 15.6.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng. So sánh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 mà Ngân hàng Nhà nước định hướng khoảng 14 - 15% thì con số 3,36% là quá thấp.

Tiền vẫn chưa ra được nền kinh tế là bài toán làm đau đầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính - hai cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của đất nước.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn thị trường đang khó khăn, thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản chưa khôi phục nhanh, trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề.

“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Bình luận về việc tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp, Phó Thống đốc cho biết: “3,36% chưa phải tín dụng tăng nhanh. Nhưng không phải vì thế ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng hạ chuẩn tín dụng. Tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi vì hạ chuẩn đồng nghĩa với việc rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Hiện nay tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng thì vẫn dưới 3% nhưng nợ tiềm ẩn thì đang có xu hướng tăng”.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ, làm thế nào tiền chảy vào các kênh thực chứ tiền rẻ không chảy vào các kênh rủi ro như bất động sản hay chứng khoán là bài toán khó.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV 

Giảm lãi suất cho vay có độ trễ 

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết: “Có người nói với tôi là hiện nay vay mua nhà lãi cao quá”. Tôi hỏi lại thông tin cụ thể người vay là ai? Bởi nếu thuộc đối tượng người nghèo, thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội qua 2 kênh. Một, vay qua Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị định 100 với nguồn ưu đãi từ ngân sách. Hai, vay từ gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi. Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đến các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp, có nhu cầu ở thực để ở. Còn đối với người đầu tư bất động sản khi lời thì đút túi, lúc thị trường khó khăn, lãi suất đẩy cao thì kêu không chịu được. Khi thị trường thuận lợi, họ sẵn sàng vay ngân hàng để có lợi nhuận cao, khi thị trường khó, không bán được thì lại kêu. Vì vậy cần phân biệt rõ”.

Về lãi suất, ông Tú cho rằng, cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, định hướng của các ngân hàng thương mại, nhưng cần có định hướng theo hướng từng bước giảm dần một cách tích cực cả từ huy động lẫn cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhưng phải tìm cách để độ trễ này ngắn hơn, do đó Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và thực hiện chỉ đạo các ngân hàng thương mại là định hướng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.

“Một vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở trách nhiệm, các ngân hàng thương mại cần phải chia sẻ bằng cách cắt giảm những chi phí hành chính, một phần nguồn lợi nhuận để tạo cơ sở giảm lãi suất” - ông Tú cho biết.

Thanh khoản dư thừa, Ngân hàng Nhà nước mua lượng ngoại tệ lớn 

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần đưa vào lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng. Các giải pháp nêu trên đã góp phần tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường, qua đó bình ổn và làm giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn