MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ, liên kết tiêu thụ nông sản với địa phương. Ảnh: Bùi Yến

Tìm đầu ra cho 4,6 triệu tấn nông sản rau củ vụ đông của các tỉnh miền Bắc

Vũ Long LDO | 20/11/2021 17:38

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Bắc phối hợp liên kết để tìm đầu ra cho 4,6 triệu tấn nông sản, rau củ vụ đông.

Sản lượng dồi dào, cần đầu ra bền vững

Vụ đông là vụ nông sản quan trọng nhất của khu vực đồng bằng sông Hồng với sản lượng khoảng 2 triệu tấn rau củ, trong đó chủ yếu là các loại rau ngắn ngày. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tìm đầu ra cho 2 triệu tấn rau củ vụ đông là bài toán không đơn giản.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Ninh Bình, vụ đông cũng là vụ sản xuất chính cho bà con nông dân tại địa phương này. Với hơn 8.000ha cây vụ đông, trong đó sản lượng ngô đạt hơn 6.000 tấn; lạc 500 tấn; khoai lang 5.100 tấn, bí xanh hơn 12.600 tấn; 80.000 tấn rau ăn lá các loại, tỉnh Ninh Bình đang đa dạng các kênh phân phối, kết nối với các kênh thương mại đề tìm đầu ra cho bà con nông dân. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam - cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, ngoài đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, còn khoảng 30% rau các loại, 40% quả, 50% cá, 60% thịt lợn, gia cầm và nhiều loại nông sản của tỉnh cần cung ứng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh. 

Cụ thể, sản lượng rau vụ đông 2021-2022 của tỉnh dự kiến đạt 70.800 tấn, trong đó riêng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy trên địa bàn tỉnh với sản lượng 17.788 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng rau vụ đông.

Sản lượng còn lại khoảng 53.000 tấn sử dụng cho tiêu dùng, trong đó nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh 38.000 tấn, chiếm 72%, khoảng 9.500 tấn/tháng cung cấp qua hệ thống chợ dân sinh, chợ đầu mối, cửa hàng, bếp ăn các khu công nghiệp, trường học.

Cần tìm đầu ra bền vững cho nông sản vụ đông. Ảnh: Vũ Long

“Lượng rau từ nay đến Tết Nguyên đán cần bán ra ngoài tỉnh là 15.000 tấn, thông qua thương lái, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch.

Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch tập trung các cây trồng vụ đông cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 nên đây là thời điểm cần huy động nhiều doanh nghiệp, đối tác, thương lái tập trung thu mua nông sản cho nông dân” – ông Ngô Mạnh Ngọc chia sẻ.

Không để nông sản bị ùn ứ, hư hỏng

Không riêng gì Hà Nam, Ninh Bình, hàng loạt tỉnh phía Bắc cũng đang rốt ráo tìm đầu ra cho nông sản vụ đông. Ngày 20.11, tại diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ XII “Kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, do Bộ NNPTNT tổ chức, các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, TP.Hà Nội cũng chia sẻ về tiềm năng và thế mạnh nông sản của địa phương và đề nghị phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương khác để kết nối, tiêu thụ. 

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sản phẩm OCOP và rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã ký kết biên bản ghi nhớ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TPHCM. 

Ông Lê Văn Liêm – Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op - chia sẻ: Đối với cây vụ đông, những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các hợp tác xã lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền.

Mỗi năm Saigon Co.op cũng liên kết tiêu thụ gần 1.000 tấn và rau vụ đông của miền Bắc cũng được thị trường phía Nam ưa chuộng. Để cân đối nguồn hàng cho 3 miền, Saigon Co.op đã xây dựng một tổng kho phân phối tại Bắc Ninh nhằm đối lưu hàng hoá.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, diện tích vụ đông xuân năm 2021 của miền Bắc khoảng 400 nghìn hecta, sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỉ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu. 

Để đảm bảo thu nhập cho người trồng, nâng cao giá trị nông sản, việc ký kết biên bản hợp tác, liên kết tiêu thụ sẽ giúp nông dân yên tâm về đầu ra ổn định và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn