MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính đến tháng 11.2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tỉ đồng. Ảnh: Đức Mạnh

Tìm giải pháp để huy động tiền trong dân

Đức Mạnh LDO | 07/02/2024 07:48

Tiền gửi tại ngân hàng đạt kỷ lục trong thời gian qua phản ánh sự lo lắng của người dân, doanh nghiệp về triển vọng của các kênh đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo dòng tiền này sẽ sớm phân bổ, tìm kiếm các đầu tư có lãi suất tốt hơn trong năm 2024.

Chờ đợi kinh tế hồi phục

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, người dân và các tổ chức vẫn ồ ạt gửi tiền vào kênh này. Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy ngân hàng này có lượng tiền gửi cả năm 2023 đạt gần 1,4 triệu tỉ đồng, tăng thêm 12,2% so với năm 2022. Hay tại VietinBank, tiền và vàng gửi của khách hàng đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 13%. Cao nhất là tại BIDV với 1,7 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2023, tăng 15,7% so với hồi đầu năm.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11.2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tỉ đồng.

Không những tại ngân hàng mà phía các công ty chứng khoán, tiền của nhà đầu tư cũng chất chồng hàng chục nghìn tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỉ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng so với quý trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.

Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) - lý giải dòng tiền tập trung chờ đợi ở ngân hàng là do triển vọng kém sáng của các kênh đầu tư. Với các công ty chứng khoán, tiền gửi chủ yếu đến từ các tổ chức khi họ hạn chế đầu tư trong bối cảnh thị trường năm qua tăng trưởng chưa bền vững.
"Đây là tâm lý chung và thông thường" - bà Hiền đánh giá.

Thực tế theo tâm lý thông thường, khi người dân lo ngại về tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai thì sẽ chuyển sang thắt chặt chi tiêu, tăng tỉ lệ tiết kiệm. Điều này sẽ khiến tiêu dùng giảm, kéo theo sự giảm sút của tăng trưởng tổng cầu và ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của nền kinh tế nói chung.

Dòng tiền sẽ sớm tìm các kênh đầu tư có lãi hấp dẫn

Việc tiền liên tục nằm trong két sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm nay (tương ứng khoảng 2 triệu tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế) của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bà Trần Khán Hiền dự báo năm 2024, dòng tiền sẽ sớm phân bổ, tìm kiếm các kênh đầu tư có lãi suất tốt hơn.

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ trở nên "sáng" hơn nhờ các quy định pháp lý rõ ràng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành. Kinh tế vĩ mô bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp cũng sẽ phát sinh nhu cầu về vốn. Về phía cầu, lãi suất tín dụng ở mức thấp sẽ thu hút nhà đầu tư trở lại. Đồng thời, thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng nhưng cần lưu ý yếu tố bất định từ phía bên ngoài rằng liệu FED có giảm lãi suất đúng như kỳ vọng hay không?. Thêm vào đó, thị trường bất động sản "ấm" hơn nhưng nhiều khả năng thời điểm sẽ rơi vào nửa sau năm 2024" - bà Hiền cho biết.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP FIDT - nhận định kênh chứng khoán sẽ thu hút dòng tiền trong năm nay dựa trên niềm tin vào sự phục hồi kinh tế. Sau đó sẽ là bất động sản ở khu vực trung tâm, thổ cư, chung cư, nhà đất... Tiếp theo phân khúc đầu cơ như đất nông nghiệp, phân lô bán nền sẽ cần chờ đến đầu năm 2025 mới có nhiều cơ hội.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư của quỹ ngoại Dragon Capital - cho rằng, trong môi trường lãi suất thấp, kinh tế có sự phục hồi nhất định thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư kém nhất. Chứng khoán, bất động sản, thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp, sẽ cho hiệu suất đầu tư tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn