MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm lời giải tăng trưởng năng suất lao động

Vũ Long LDO | 27/04/2021 15:58

Năng suất lao động của Việt Nam phát triển qua ba giai đoạn: Tăng trưởng nhanh (1991-1995), chững lại (1996-2012) và phục hồi (từ 2013 - đến nay).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 là 6,5%/năm.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), cho rằng: Trong giai đoạn thứ hai và ba (từ năm 1996 đến nay), tình hình bắt đầu cải thiện và tăng trưởng năng suất lao động dần bắt kịp tốc độ của giai đoạn đầu tiên ở giai đoạn 1991-1995 (tính từ trước đại dịch COVID-19).

Tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực hai), theo sau đó là khu vực dịch vụ (khu vực ba). Trong khi đó, khu vực nông, lâm và thủy sản (khu vực một) có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng như mức năng suất lao động thấp nhất.

Tuy vậy, tăng trưởng năng suất lao động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng (những ngành đóng góp gần 42% vào GDP) lại không ấn tượng theo các tiêu chuẩn toàn cầu, thậm chí tăng trưởng bắt đầu suy giảm.

Theo VCCI, để tăng trưởng năng suất lao động, Việt Nam có thể học tập khía cạnh kỹ thuật của năng suất từ người nước ngoài nhưng phải tự tạo ra cơ chế hành chính và thể chế để phổ biến các thực hành tốt, phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội trong nước. Sao chép công cụ nước ngoài chỉ đưa Việt Nam đạt đến một điểm nhất định, ngoài ra cần có một hệ thống nội địa đúng nghĩa để thiết kế và thực thi chính sách theo cách phù hợp nhất với Việt Nam.

Như vậy, phong trào năng suất Việt Nam phải là “Made in Việt Nam”, được thực hiện với quyết tâm chính trị thực sự và sự đồng thuận chân thành của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Để thảo luận và đề xuất các giải pháp cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam dựa trên những kết quả nghiên cứu của Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) xây dựng, sáng 28.4.2021, VCCI phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn