MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức mua của 97 triệu người tiêu dùng sẽ cho các doanh nghiệp một thị trường nội địa tiềm năng khi hàng hóa không thể xuất khẩu được do COVID-19. Ảnh: Kh.V

Tìm lối thoát cho hơn 1.600 xe hàng hóa dồn ứ tại cửa khẩu

Vũ Long LDO | 09/04/2020 17:22

Trên 97 triệu người dân Việt Nam là thị trường nội địa tiềm năng tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa.

Hai nước nỗ lực hết sức để thông quan hàng hóa

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công Thương cho biết, lũy kế đến nay, đã có trên 45.806 xe hàng xuất khẩu và 38.672 xe hàng nhập khẩu đã thông quan. Tuy nhiên, vẫn đang còn 1.661 xe hàng tồn đọng tại cửa khẩu.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tình trạng tồn đọng  hàng hóa không phải do phía Trung Quốc từ chối nhận hàng, mà do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch đang được đẩy mạnh và siết chặt các thủ tục hành chính tại cửa khẩu.

“Cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để hàng hóa được lưu thông, vì hiện nay cả 2 bên đều rất cần nguồn hàng để phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh của mỗi nước” – nguồn tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn cho Lao Động biết.

Nông sản chất lượng cao được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: K h.V 

Theo Bộ Công Thương, nhờ nỗ lực của hải quan 2 nước, mỗi ngày có khoảng 1.200 xe hàng hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu. Cụ thể, riêng ngày 7.4.2020, đã có 743 xe xuất khẩu và 698 xe nhập khẩu thông quan.

Tuy nhiên trên các cửa khẩu biên giới cả nước, đến nay vẫn còn tồn khoảng 1.661 xe nông sản, trong đó tại tỉnh Lạng Sơn tồn 1.541 xe; tại cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) tồn 20 xe.

Tập trung nguồn hàng cho thị trường trong nước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong những ngày vừa qua, Bộ NNPTNT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản tồn dư do không thể xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp; hướng dẫn một số địa phương đang trồng dưa hấu, thanh long chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn (về mặt ngắn hạn) như đậu tương,  ngô, rau...

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ các đơn hàng được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%, đơn tạm hoãn hoặc hủy khá cao.

Tỉ lệ tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc, dù tại thị trường Trung Quốc từ tháng 3 bắt đầu dần có đơn hàng trở lại.

Để giảm bớt khó khăn và tìm hướng đi mới, một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm đóng hộp thay vì tươi sống để đẩy vào các kênh siêu thị trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng mới.

Dưa hấu được các siêu thị "giải cứu". Ảnh: KH.V 

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cũng đang tập trung cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, nguồn hàng nhập khẩu vào Việt Nam cũng giảm sút, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Trong trường hợp xấu nhất các xe nông sản bị ùn ứ phải "quay đầu", thì sức mua của hơn 97 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ là thị trường khổng lồ để “giải cứu” các sản phẩm đang bị ách tắc không thể tiêu thụ do dịch bệnh COVID-19. 

Về lâu dài, để "giữ chân" người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ khoa học, cơ cấu lại hệ thống quản trị để giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với khả năng chi tiêu của người Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn