MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: Lục Tùng.

Tìm lối thoát cho thực trạng lúa gạo ĐBSCL rớt giá, khó bán

Lục Tùng LDO | 25/02/2019 16:40

Ngày 26.2, Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019 sẽ khai mạc trong nỗ lực tìm giải pháp gỡ khó cho người nông dân khi lúa gạo liên tục rớt giá, khó bán.

Chiều 25.2, đoàn công tác Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế tại nhiều địa phương tỉnh Đồng Tháp để chuẩn bị cho Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019 diễn ra vào gày 26.02, tại TP Cao Lãnh. Có trên 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương vùng lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL... về dự.

ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: Lục Tùng.

Đây được xem là “phản ứng nhanh” của Bộ NNPTNT trước thực trạng lúa đông xuân 2018-2019 vùng ĐBSCL rớt giá, khó bán. Theo thông tin của Bộ NNPTNT, từ cuối 2018 đến nay việc tiêu thụ gạo gặp khó khăn.  

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đi thực tế vùng trồng lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: Lục Tùng

Cụ thể, xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm. Trong khi đó các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.

Nhiều cánh đồng lúa ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ. Ảnh: Lục Tùng

Trước thực trạng đó, ngày 19.02, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.

Về phần mình, Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng NNVN, Bộ Công thương và tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL nhằm trao đổi, đánh giá tình hình, cùng các bộ, ngành liên quan tập trung các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài, giải quyết các nút thắt của ngành gạo (sản xuất, cơ chế tín dụng, thương mại, KHCN…) cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua.

Nhiều nông dân có nhu cầu bán lúa sau thu hoạch đang gặp khó vì lúa rớt giá. Ảnh: Lục Tùng

Được biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nước mà còn tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu.

Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 39,22 tỉ USD, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.  Việt đang là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản đứng vị trí hàng đầu về xuất khẩu. Cụ thể, về gạo, luôn nằm trong top 3 (sau Ấn Độ và Thái Lan) quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn