MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợi nhuận ngành ngân hàng giảm tốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Tín dụng tăng thấp tác động đến lợi nhuận ngành Ngân hàng

Gia Miêu LDO | 29/07/2023 11:02

Bức tranh lợi nhuận quý II/2023 của ngành Ngân hàng đang dần hiện diện khi một số ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh.

Vẫn có những gam màu sáng nhưng khó có khả năng nhiều gam màu sáng hơn quý đầu năm.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với đà tăng trưởng tích cực. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỉ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kì năm trước, tổng thu thuần đạt 4.453 tỉ đồng, tăng 16,8% so với cùng kì.

Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng. Các tỉ lệ an toàn vốn (CAR), tỉ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lí, đảm bảo đáp ứng theo quy định của NHNN. Tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) duy trì hiệu quả ở mức 3,8%, tăng so với cùng kì.

Theo báo cáo tài chính trong quý II/2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) đạt 139 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kì năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý I/2023 ngân hàng có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỉ đồng, tăng 10%. Hầu hết mảng kinh doanh của BacABank đều có kết quả khả quan trong nửa đầu năm.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 của ngân hàng chỉ khoảng 4.400 - 4.700 tỉ đồng, giảm 4-10% so với cùng kì nhưng vẫn hoàn thành 48-50% kế hoạch của đại hội cổ đông đặt ra. ACB là ngân hàng có quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới nên chất lượng tài sản được kì vọng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm.

Thực tế, ngay từ đầu năm nay, trước viễn cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, các ngân hàng có phần thận trọng khi đặt ra mục tiêu kinh doanh cả năm, bởi nhu cầu tín dụng thấp, chi phí tín dụng cao đi đôi với nợ xấu gia tăng. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 10-13%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đề ra mục tiêu cao hơn như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 33%, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) 25%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 24%.

Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023. Theo đó, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 chậm cải thiện, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhẹ, nhưng thấp hơn so với mức kì vọng ở kì điều tra trước. Các tổ chức tín dụng đã giảm kì vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.

Trước đó, trong cuộc điều tra quý II/2023, các ngân hàng kì vọng, lợi nhuận quý II tăng trưởng cao hơn quý I do tín dụng “ấm” lên, nhưng nhận định cả năm 2023, có gần 6% ngân hàng lo ngại lợi nhuận có thể tăng trưởng âm.

Bức tranh lợi nhuận trong quý II/2023 của ngành Ngân hàng được các chuyên gia nhận định vẫn sẽ còn bị tác động bởi nhiều yếu tố. Tín dụng trong nửa đầu năm nay tăng thấp do sức hấp thụ vốn chậm lại khi nhu cầu tiêu dùng giảm, đầu ra của doanh nghiệp hạn chế, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính đến thời điểm ngày 15.6.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kì năm trước. Đây là mức tăng thấp đáng báo động.

Tín dụng tăng chậm cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ nợ xấu tăng cao. Đây cũng là khó khăn lớn đối với các ngân hàng, bởi tín dụng tăng chậm không chỉ khiến nguồn thu từ lãi giảm, mà còn kéo theo sự trì trệ của các dịch vụ đi kèm, tức nguồn thu ngoài lãi khó tăng.

Thậm chí, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu khó kiểm soát buộc ngân hàng phải gia tăng dự phòng rủi ro, đồng nghĩa với lợi nhuận bị “bào mòn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn