MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng đầu tư FDI vào Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ. Ảnh: hải nguyễn

Tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%

NHÓM PV LDO | 10/11/2023 06:16

Chiều 9.11, với 447/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, Quốc hội xác định mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thực hiện các đột phá chiến lược

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm 15 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Trong báo cáo dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực tế khi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0-6,5% là khá cao, chỉ nên để ở mức thấp hơn (khoảng từ 5-6%).

Giải trình về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Trong đó, 3 động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác.

Chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, để đạt được mục tiêu 6,5%, Chính phủ đưa ra các giải pháp tương đối toàn diện cho tới thời điểm này.

Vấn đề đặt ra bây giờ là phải tổ chức quá trình thực hiện ra làm sao để đạt được kết quả mong muốn.

“Tôi hy vọng, trong năm 2024, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp này ngay từ đầu năm. Các cấp, các ngành cũng phải thể hiện quyết tâm, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nghiệm để triển khai cho thật hiệu quả” - đại biểu Lâm nêu quan điểm.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) - đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù, chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Đồng thời xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi...

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình cũng cho rằng, cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng... Về giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

Phải có cơ chế để cho vay trung và dài hạn

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho hay, trong thời gian tới cần phải có cơ chế để cho vay trung và dài hạn vì những lĩnh vực ưu tiên này là những động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số, công nghệ cao. Đây là những động lực để tăng trưởng kinh tế và gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế.

15 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).

3. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.

6. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.

7. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.

8. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.

12. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.

13. Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.

14. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Động lực tới từ sản xuất, xuất nhập khẩu và đầu tư công

Bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - đánh giá, với mức nền thấp của năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024 sẽ không phải quá thách thức nếu tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn. Trong kịch bản xấu, kinh tế thế giới không “hạ cánh mềm” mà rơi vào suy thoái, trụ cột về sản xuất công nghiệp và sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó tăng trưởng GDP mới bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên kịch bản này có xác suất thấp vì một số tổ chức uy tín đã nâng dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn trong năm sau.

“Động lực chính đầu tiên sẽ tới từ sản xuất và xuất nhập khẩu vốn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. Động lực thứ hai đến từ hiệu quả của đầu tư công. Lĩnh vực này cải thiện sẽ tạo sự lan tỏa ra các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên cần khắc phục những vấn đề còn tồn tại như pháp lý, giải phóng mặt bằng…”.

Mục tiêu tăng trưởng phù hợp với kỳ vọng

Theo đánh giá từ ông Trương Thái Đạt - Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán DSC, nếu bối cảnh vĩ mô của năm 2023 còn nhiều ẩn số thì năm 2024 mọi thứ sẽ tốt dần lên. Con số tăng trưởng từ 6 - 6,5% cho năm 2024 không phải là mức cao mà khớp với các kỳ vọng và dự báo từ trước đến nay.

Tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lần lượt là 5,8% và 6,9% vào năm 2024 và 2025. Ông Shanaka Peiris - Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF - cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong quý IV/2023, song vẫn đang gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu, bất động sản và tài chính.

Trong dự báo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng United Oversea duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024.

Chuyên gia Frederic Neumann của ngân hàng HSBC đưa ra quan điểm tích cực về nền kinh tế Việt Nam, dự báo mức tăng trưởng GDP là 6,3% trong năm tới. Dự báo này dựa trên mức tăng trưởng kinh tế dự kiến là 5% trong năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 8% theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Ông Neumann nhận định, sự phục hồi trở lại của nền kinh tế Việt Nam là do nhu cầu toàn cầu phục hồi dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu đi kèm cùng với sự gia tăng chi tiêu trong nước. Ông nhấn mạnh, tổng doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trưởng đáng kể là 9,7%. Mức chi tiêu cao hơn được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ngoài những yếu tố này, lĩnh vực tài chính, dịch vụ và bất động sản sẽ có sự phục hồi đáng kể sau khi trải qua một giai đoạn đầy thử thách. Sự phục hồi này cũng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự hồi sinh chung của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thuận, chuyên gia Brook Taylor của VinaCapital dự đoán, chi tiêu trong nước, bao gồm cả mua sắm của Chính phủ, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia. Cơ sở hạ tầng cũng đang được đẩy mạnh, có khả năng mang lại cho nền kinh tế một động lực bổ sung. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều thừa nhận những rủi ro tiềm ẩn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Bất kỳ sự suy yếu nào về nhu cầu thế giới đều có thể gây rủi ro cho các trụ cột tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và sau đó ảnh hưởng đến kinh tế của nước ta. Quý An

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn