MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lồng, bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề sau bão số 12 tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: P.V

Tỉnh Khánh Hòa đang dùng tiền ngân sách để “giải quyết” sự buông lỏng quản lý?

NHIỆT BĂNG LDO | 26/07/2018 09:42

Xin Trung ương “cơ chế đặc thù” (ngoài Nghị định 02) hỗ trợ thiệt hại bão số 12 đối với 2.366 lồng, bè nuôi trồng thủy sản nằm ngoài vùng quy hoạch và chưa kê khai sản xuất ban đầu “thất bại”, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã “hào phóng” bỏ hơn 16,5 tỉ đồng chi cho số lồng, bè nói trên.

Lồng, bè nuôi trồng thủy sản “nhiều không” suốt nhiều năm

Tình trạng lồng, bè nuôi trồng thủy sản với mật độ dày đặc, nằm ngoài vùng quy hoạch, không kê khai sản xuất trên vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), vịnh Cam Ranh (TP.Cam Ranh), đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) tồn tại dai dẳng từ năm này sang năm khác. Vì lợi nhuận kinh tế mang lại cao (nhất là tôm hùm, cá bớp, cá chẽm…) nên người dân mạnh ai nấy “tranh thủ” nuôi.

Rất nhiều lao động đổ về làm thuê trên lồng, bè nuôi trồng thủy sản bằng “hợp đồng miệng”, nhưng chủ “quên” đăng ký lao động và “tạm trú” luôn trên biển… Họ cũng ít khi thấy đơn vị chức năng nào hỏi han, yêu cầu kê khai thông tin.

Sau cơn bão số 12 quét qua tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm lồng, bè bị sóng biển kèm gió mạnh đánh tan tành. Bão tan nhiều ngày, thi thể người bắt đầu được vớt lên. Ngay trước UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), trong số nhiều thi thể tử vong, người dân rùng mình chứng kiến cả thi thể không còn nguyên vẹn. Nhiều người dân địa phương thậm chí không biết người tử vong đó là ai, vì lao động “tứ phương” quá nhiều.

“Có thi thể được vớt lên từ lưới của lồng, bè nuôi trồng. Lúc bão số 12 vào, có thể họ tiếc lồng, bè trị giá tiền tỉ mà không chịu vào bờ” - một người dân xã Vạn Thạnh “rất hiểu chuyện ở vịnh Vân Phong” nói.

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa - cho biết, sau bão số 12, số ô lồng nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch tại tỉnh là 12.500/45.000 ô lồng (trong đó, dẫn đầu là vịnh Cam Ranh với hơn 10 nghìn ô lồng). Còn tại vịnh Vân Phong, ông Bản cho rằng người dân nuôi mật độ dày chứ không phải nuôi ngoài quy hoạch.

“Quy hoạch là 11 nghìn ô lồng, nhưng qua kiểm tra thì tăng lên 16-17 nghìn ô lồng” - ông Bản nói.

“Cửa” HĐND tỉnh… thoáng?

Trước danh sách “rất dày” hộ dân bị thiệt hại thuộc lĩnh vực nông nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ (nuôi trồng nằm ngoài vùng quy hoạch và không kê khai sản xuất ban đầu) theo quy định tại Nghị định 02/2017 của Chính phủ, một “làn sóng” người dân đề nghị được hỗ trợ diễn ra suốt nhiều tháng qua, dù bão số 12 đổ bộ vào năm ngoái.

Xử lý vấn đề này, UBND tỉnh có Tờ trình gửi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xin cơ chế đặc thù để hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân. Tuy nhiên, ngày 17.4.2018, Bộ Tài chính có công văn trả lời không đồng ý theo đề xuất của tỉnh.

“Kêu” Trung ương không được, ngày 12.7.2018, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh chủ trì để xem xét hỗ trợ do không đủ điều kiện. Trong cuộc họp này, ông Vinh đã chỉ đạo Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Tờ trình trình HĐND tỉnh xem xét, cho phép UBND tỉnh chi từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các hộ nuôi lồng, bè bị thiệt hại trên biển do bão số 12 không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định của Nghị định 02.

Sau đó, Sở NNPTNT có công văn tham mưu UBND tỉnh ban hành Tờ trình trình HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng lồng, bè trên với tổng số hộ là 2.366 hộ, đề xuất mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/hộ.

Ngày 17.7, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản số 209 về chủ trương hỗ trợ cho các hộ nuôi lồng, bè bị thiệt hại trên biển do bão số 12. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo cho các ngành liên quan thực hiện việc hỗ trợ. Với cách làm này, phải chăng, UBND tỉnh Khánh Hòa đang dùng tiền ngân sách để “giải quyết” sự buông lỏng quản lý?

Đại biểu Đoàn Minh Long (HĐND tỉnh Khánh Hòa) lên tiếng: “UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các lồng, bè nằm ngoài vùng quy hoạch. Người dân làm lồng, bè nuôi trồng như vậy mà cấp chính quyền thì không có giải pháp quản lý. Bây giờ chuyện xảy ra rồi (thiệt hại nặng nề do bão số 12 - PV) mới nói chuyện lồng, bè nuôi trồng nằm trong quy hoạch mới được hỗ trợ thiệt hại”.

UBND tỉnh Khánh Hòa không thể không xử lý trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương có liên quan và thẳng thắn nhận trách nhiệm trước cử tri, nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn