MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm mới giải ngân không phải là câu chuyện mới. Ảnh: Trà My

Tình trạng ép mua bảo hiểm mới giải ngân vốn bao giờ chấm dứt

Hương Nguyễn LDO | 27/02/2023 16:09

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) tăng trưởng mạnh những năm gần đây và đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, do phát triển nóng trong thời gian qua, nên kênh phân phối bancassurance cũng bộc lộ nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng nhân viên ngân hàng chạy theo KPI nên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay việc chèo kéo khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngân hàng và công ty bảo hiểm.

"Ngậm đắng nuốt cay" mua bảo hiểm để được giải ngân nhanh

Nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm mới giải ngân không phải là câu chuyện mới. Trao đổi với PV Báo Lao Động, vào thời điểm cuối năm 2022, ông Trương Thanh T cho biết, mình bị ép mua bảo hiểm nhân thọ khi đi vay một khoản từ ngân hàng để mua ôtô.

Ông T bức xúc nói: “Nhân viên ngân hàng bảo tôi là phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vì ngân hàng đang hết room, nhưng nếu tôi mua bảo hiểm ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân không cần chờ đợi room”.

Theo ông T, nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ giá trị bằng 5% hợp đồng vay vốn, tức là 26 triệu đồng cho khoản vay 1 tỉ 300 triệu đồng. Tuy nhiên, dù ông T đã bỏ tiền mua bảo hiểm nhưng ngân hàng không giải ngân vốn cho vay, cũng không trả lại số tiền mua bảo hiểm.

Câu chuyện của ông T chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng trăm nghìn khách hàng đang “ngậm đắng nuốt cay” chịu bỏ thêm chút phí để việc đi vay ngân hàng được dễ dàng hơn.

Không chỉ thế, nhiều người dân cho rằng, mình đi gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn mập mờ sang mua nhầm bảo hiểm bằng các tên gọi rất “kêu” như sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" hay "tiết kiệm thông minh". Thực chất đây là loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi 

Vào thời điểm cuối năm 2022, khi room tín dụng bị siết thì không ít nhân viên ngân hàng phải chuyển sang bán thẻ tín dụng và bán bảo hiểm để bù đắp lại KPI.

“Thu nhập của tôi vào thời điểm mấy tháng bị siết room tín dụng tụt xuống, vì vậy phải chật vật xoay sang bán bảo hiểm cho đủ chỉ tiêu” - một nhân viên một ngân hàng nói.

Hiện nay nhiều ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh mảng thu nhập ngoài lãi trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng. Đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12% - 13% và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16% - 17%.

Nếu như trước đây, tín dụng là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho ngân hàng, tỉ lệ thu từ tín dụng ở một số ngân hàng lên tới 90% thì hiện các ngân hàng đều đang có xu thế dịch chuyển sang tăng thu từ hoạt động phi tín dụng. Bởi lẽ, hoạt động tín dụng dù đóng góp một nguồn thu rất lớn nhưng có thể trở thành nợ xấu, cần trích lập dự phòng rủi ro… Trong khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ, ngoại hối, bảo hiểm… đem lại lợi nhuận lớn mà không cần trích lập dự phòng rủi ro.

Trong bối cảnh tín dụng khó tăng mạnh, lãi suất huy động đầu vào khó giảm mà còn có xu hướng tăng theo động thái tăng lãi suất của Fed, lãi suất cho vay lại không thể tăng tương ứng khiến NIM của các ngân hàng ngày càng mỏng. Để đảm bảo lợi nhuận, ngân hàng buộc phải tìm cách tối ưu các nguồn thu ngoài lãi.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT - cho biết: “Mặc dù doanh số tăng trưởng cao, song việc bán bảo hiểm không theo nhu cầu và tình hình tài chính đã tạo nên những định kiến không tốt trong tâm trí người tiêu dùng. Các cú bắt tay giữa các đơn vị kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng đã mang đến những khoản phí trả trước khổng lồ cho các ngân hàng. Tuy nhiên, kênh phân phối này lại đang lộ ra một số điểm bất cập. Chẳng hạn tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ để giải ngân khoản vay, tư vấn lập lờ bảo hiểm thành tiền gửi, hay bảo hiểm từ một công cụ phòng vệ bỗng dưng trở thành một công cụ đầu tư với lãi suất cao”.

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2023 đã có những quy định riêng đối với kênh bancassurance. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của các đại lý là tổ chức, trong đó có tổ chức tín dụng trong tư vấn chào bán giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tư vấn viên không được hứa hẹn các khoản lợi nhuận không chắc chắn hoặc trình bày thông tin sai lệch về sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nên bổ sung quy định về bancassurance trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Có như vậy mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn