MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải tươi Việt Nam được bày bán tại nhiều siêu thị trên thế giới. Ảnh: Minh Khuyên

Tổ chức lại sản xuất, đưa rau quả Việt Nam vào thị trường Châu Âu

Vũ Long LDO | 05/07/2020 12:08

Châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng có dân số 500 triệu người, sẽ là cơ hội để mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là trái cây của Việt Nam tăng trưởng khi gia nhập thị trường.

Rau quả Việt Nam lên kệ siêu thị quốc tế

Ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6.2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019, đưa lũy kế xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 lên 1,8 tỉ USD. 

Phân tích về tình hình xuất khẩu mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) cho biết xuất khẩu sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc: 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ: 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản: 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...

Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương cũng đánh giá, các mặt hàng trái cây của Việt Nam đã vượt qua các rào cản kỹ thuật cao để vào thị trường thế giới, trong đó có quả vải tươi đã lần đầu tiên được bày bán trên kệ các siêu thị của Nhật Bản, Singapore… và được đánh giá tốt cả về hình thức và chất lượng; trái chuối của Việt Nam cũng đã được chính thức bày bán trong hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc.

Việc Lotte Mart giới thiệu và phân phối sản phẩm chuối của Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lotte tại thị trường Hàn Quốc là cơ hội lớn để trái chuối của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường có quy mô nhập khẩu chuối lên tới 300 triệu USD/năm.

Đặc biệt, từ 1.8, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, rau quả Việt Nam sẽ tăng thị phần tại thị trường Châu Âu (EU).

Vải thiều Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Hồng Quang

Tổ chức lại sản xuất để vào sân chơi lớn

EVFTA là hiệp định thương mại (FTA) có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết, với hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 - 10 năm. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, càphê, cacao… được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn.

Với dân số trên 500 triệu người, EU là thị trường lớn nhiều tiềm năng. Thực thi EVFTA, Việt Nam kỳ vọng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tiếp cận thị trường tiềm năng với kim ngạch xuất khẩu trên 15.000 tỉ USD. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam ở thị trường EU chỉ mới chiếm khoảng 2%, dù Việt Nam là nước nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU trong khối các nước ASEAN.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này.

Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp... 

Ngành nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn