MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch VCCI tham dự Diễn đàn Logictics Việt Nam 2020. Ảnh: Minh Khuyên

Tốc độ tăng trưởng logistics của Việt Nam nhanh, đạt bình quân 14-16%/năm

Vũ Long LDO | 26/11/2020 12:39

Nếu như trong thời chiến, logistics là vấn đề sống còn, thì trong thời bình, logistics cũng là vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics 2020 sáng 26.11, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Logistics có ở quanh chúng ta, từ việc giao nhận bữa ăn trưa văn phòng trên các ứng dụng di động của cá nhân cho đến những chuyến hàng vận chuyển ngày đêm dọc chiều dài đất nước của doanh nghiệp.

Logistics giống như “những bánh xe” của “cỗ xe” nền kinh tế đang vận hành không ngừng nghỉ. Không nền kinh tế nào có thể chuyển mình về phía trước nếu thiếu đi lực đẩy từ hoạt động logistics” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân của Việt Nam đều ở mức trung bình 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Xét trong phạm vi toàn lãnh thổ Châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, với con số đầu tư 6,8% GDP.

Nỗ lực cải cách, giảm giá thành logistics

Trong những năm gần đây, hệ thống pháp luật liên quan đến logistics có nhiều bước chuyển đáng kể, theo hướng cởi mở hơn về chính sách, loại bỏ các “nút thắt” về mặt thể chế để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động logistics nói riêng, môi trường kinh doanh nói chung.

Điểm trừ của ngành logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao. Ảnh minh họa: Vũ Long

Một trong những chuyển biến lớn nhất trong các chính sách về logistic đó là cởi trói, trả lại quyền tự do kinh doanh cho ngành kinh doanh logistic, đưa dịch vụ “kinh doanh dịch vụ logistic” ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2020. Bên cạnh đó, một số dịch vụ logistics cụ thể như dịch vụ đại lý vận tải biển, dịch vụ vận tải biển nội địa và dịch vụ vận tải hàng hóa thủy nội địa cũng được loại bỏ các điều kiện về đăng ký kinh doanh.

"Cộng đồng doanh nghiệp cũng đặc biệt hoan nghênh những bước phát triển gần đây của Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Với 200 thủ tục hành chính của 13 bộ ngành đã kết nối tới hiện tại, Cơ chế một cửa quốc gia đã góp phần giảm đáng kể các chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu và logistics" - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Những cố gắng từ phía Chính phủ và các Bộ ngành đã đem lại nhiều thay đổi tích cực. Kết quả Chỉ số Hiệu quả Logistics gần đây nhất xếp Việt Nam ở thứ hạng 39/160 quốc gia theo xếp hạng của ngân hàng thế giới. Đây là thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2007 và cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Logistics cũng đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm. Tính đến hết năm 2019, thị trường logistics đã có sự tham gia của khoảng 4.000 doanh nghiệp trong nước và nhiều tập đoàn logistics tên tuổi trên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn