MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chống buôn lậu hải quan phát hiện, bắt giữ nhiều đường dây vận chuyển, mua bán ma túy. Ảnh: Hải Anh

Tội phạm móc nối với Việt kiều để mua bán, vận chuyển ma túy

CAO NGUYÊN LDO | 17/05/2019 17:11

Theo Tổng cục Hải quan, tội phạm ma túy móc nối với các đối tượng Việt kiều hoặc các đối tượng là du lịch, không nghề nghiệp, lao động tự do... ở Campuchia để mua bán, vận chuyển trái phép heroin, ma túy tổng hợp.

Ngày 17.5, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông cáo về công tác phòng chống ma túy của ngành trong thời gian qua. 

Tổng cục Hải quan nhận định, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu. 

Theo đó, Việt Nam được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ các trung tâm ma túy ở khu vực “Tam giác vàng”, “Trăng lưỡi liềm” ở Châu Á và Nam Mỹ vào Việt Nam và đi các quốc gia khác.

"Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động; chúng trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma túy bằng nhiều loại phương tiện khác nhau và sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí “nóng” chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ", Tổng cục Hải quan đánh giá.

Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng việc chống buôn lậu ma túy của ngành Hải quan là rất khó khăn. Ảnh Cao Nguyên.

Về tuyến biên giới Việt Nam - Lào, phía Tổng cục Hải quan cho rằng, các loại ma túy tổng hợp dạng đá, trước đây hầu như ít được giao dịch, mua bán, vận chuyển trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nhưng từ giữa năm 2017 đến nay tình trạng mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm theo heroin với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam có chiều hướng gia tăng.

Sau khi được chuyển về một phần sử dụng trong nước, phần lớn tiếp tục được vận chuyển sang nước thứ 3 tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc.

Lý giải việc này, phía Tổng cục Hải quan cho rằng, đường biên giới chung giữa 2 nước Việt Nam - Lào dài, việc buôn bán, đầu tư của nhân dân 2 nước thuận lợi, quan hệ thương mại tăng cao, từ đó lượng phương tiện qua lại 2 bên biên giới cũng gia tăng và dễ dàng hơn. Đây là điều kiện để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

Còn trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lợi dụng biên giới giữa hai nước, tội phạm ma túy móc nối với các đối tượng Việt kiều hoặc làm ăn, buôn bán ở Campuchia, các đối tượng là du lịch, không nghề nghiệp, lao động tự do... thường xuyên qua lại hai bên biên giới để mua bán, vận chuyển trái phép Heroin, ma túy tổng hợp, cần sa từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, thậm chí vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn