MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành chăn nuôi gà công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do giá hạ và sản phẩm gà công nghiệp nhập ngoại chèn ép, cạnh tranh. Ảnh: KH.V

Tồn hàng triệu con gà công nghiệp: Lại nguy cơ phải “giải cứu”

PHONG NGUYỄN LDO | 23/05/2017 06:50
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng đàn gà thịt của Việt Nam đến đầu năm 2017 gần 214 triệu con, tăng gần 5% so với đầu năm 2016. Trong đó, 2 tỉnh, thành có tổng đàn gà lớn nhất cả nước là Hà Nội và Đồng Nai. Theo một số chủ trang trại, từ 1 tháng nay giá gà công nghiệp bắt tại chuồng chỉ từ 19.000-20.000 đồng/kg, giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 900 đến 1.100 đồng/quả. Trong khi đó, số lượng gà công nghiệp hiện nay đã lên tới hàng chục triệu con nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu sắp tới Chính phủ có phải tham gia “giải cứu” gà công nghiệp?

Trứng, thịt gia cầm cùng rớt thê thảm

Không chỉ thịt gà công nghiệp có giá thấp, giá trứng hiện nay cũng đang không thể thấp hơn. Là chủ 1 trang trại chăn nuôi 25 nghìn con gà đẻ trứng, ông Phạm Văn Cường (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) tỏ ra lo lắng khi mặc dù đã tăng chút đỉnh, nhưng giá trứng gà chỉ tại thời điểm này gắng lắm cũng chỉ ở mức khoảng 1,1 nghìn đồng/quả. “Tính gộp cả lương công nhân, chi phí sản xuất, khấu hao chuồng trại…, bán trứng với mức giá này, chúng tôi đang lỗ” - ông Cường cho biết.

Mặc dù chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng đang bị thua lỗ, nhưng ông Cường cũng như các hộ chăn nuôi tại nhiều địa phương đang cố gắng duy trì để hi vọng giá sẽ tăng trong thời gian tới. Bởi, người dân rất khó phá đàn, vì bao nhiêu vốn liếng vay ngân hàng, huy động của người thân đều đã tập trung đầu tư vào quy mô chuồng trại, con giống, thức ăn… Nếu bỏ ngang, tức là đồng nghĩa với việc “đốt” toàn bộ vốn liếng. “Thà lỗ trong một giai đoạn, nhưng có thể giá gà sẽ tăng để chúng tôi gỡ lại vốn, chứ nếu bỏ chuồng không nuôi, nông dân chúng tôi không biết làm gì để có thu nhập” - ông Phạm Văn Cường chia sẻ thêm.

Mặc dù có giá cao hơn khu vực phía Nam, nhưng giá thịt gà công nghiệp tại nhiều tỉnh phía Bắc mấy ngày nay cũng chỉ dao động ở mức 26-27 nghìn đồng/kg sau khi “lụt” mãi ở mức giá 23 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá có nhích lên chút đỉnh, nhưng có tốc độ tiêu thụ rất chậm. Là người chuyên bỏ mối thịt gà công nghiệp cho các bếp ăn tập thể và các trường học trên địa bàn Hà Nội, chị Vương Thị Minh (Chợ Yên - Mê Linh - Hà Nội) tỏ ra lo lắng vì công việc kinh doanh không còn thuận lợi như trước. “Cả tháng nay người dân quay ra ăn thịt lợn, thịt gà công nghiệp giá rẻ nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm” - chị Minh cho biết.

Không riêng gì các trang trại có quy mô tầm trung bị ảnh hưởng, các trang trại của các đại gia trong ngành chăn nuôi như Ba Huân, ĐTK cũng bị ảnh hưởng bởi giá trứng hiện đang xuống quá thấp. “Giá thịt gà hiện đang ở mức có thể chịu đựng được, nhưng hiện nay giá trứng gia cầm xuống mức quá thấp, các trang trại chăn nuôi đang rất vất vả để cầm cự, duy trì sản xuất” - bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Cty Ba Huân chia sẻ.

Liệu có phải “giải cứu”?

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, những năm qua, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân trong năm qua về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới là 3,7%, chúng ta tăng hơn 2, 3 lần. Chính vì tăng trưởng “nóng” đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm. Trong tổng đàn lên tới 2014 triệu con gà thịt, hiện tỉnh Đồng Nai có tổng đàn gà gần 18 triệu con, trong đó 80% nuôi theo hình thức tập trung trang trại với chủng loại chủ yếu là gà công nghiệp, gà tam hoàng. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu còn tồn đọng gần 3,8 triệu con gia cầm.

Cùng với đó là một lượng lớn thịt nhập khẩu tràn vào, làm cho giá thịt gia cầm xuống rất thấp. Theo bà Phạm Thị Huân, hành động “giải cứu” của Chính phủ thiết thực nhất đối với người chăn nuôi tại thời điểm hiện tại là hãy tạm ngừng cho phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thịt, các phụ phẩm của gà, gia cầm để nông dân có cơ hội tiêu thụ sản phẩm của mình. “Các sản phẩm đó trong nước cũng sản xuất được, quy trình sản xuất tươi ngon, đảm bảo chất lượng, vậy tại sao chúng ta lại cho phép những nội tạng, cánh, cổ, chân gà… nhiều mặt hàng đã cận “đát” tuồn vào thị trường Việt Nam và làm khó người chăn nuôi trong nước” - bà Phạm Thị Huân đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động liệu có nguy cơ một cuộc “giải cứu” gà công nghiệp hay không? Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho rằng, do quy trình nuôi gà công nghiệp chỉ mất từ 42-60 ngày, nên người chăn nuôi có thể “bẻ phôi”, không cho ấp trứng để ngắt đàn, thì sẽ giải quyết được tình trạng ế thừa. “Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng nên thận trọng khi đầu tư, đảm bảo chăn nuôi có lãi và không gây áp lực thừa lên thị trường” - ông Nguyễn Kim Đoán nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn