MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xung quanh vụ xuất khẩu 400.000 tấn gạo có quá nhiều vấn đề tranh cãi. Ảnh: Kh.V

Tổng cục Hải quan nói gì về vụ xuất khẩu 400.000 tấn gạo

Khánh Vũ LDO | 17/04/2020 22:33

Liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch, chiều 17.4, Tổng cục Hải quan có văn bản kiến nghị đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu.

Theo đó, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng gạo xuất khẩu; đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch xuất khẩu gạo và xử lý lượng gạo hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu nhưng chưa thể xuất khẩu, Tổng cục Hải quan kiến nghị:

Đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24.3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4.2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá. Các doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng các điều kiện đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15.8.2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên và được Bộ Công Thương thông báo doanh nghiệp đấu giá, cơ quan hải quan sẽ giải quyết thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19

Theo Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu; trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể theo một trong các phương án sau:

Phương án 1: Giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai). Theo đó, Bộ Công Thương công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá;

Các doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15.8.2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; Đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên và được Bộ Công Thương thông báo doanh nghiệp đấu giá, cơ quan hải quan sẽ giải quyết thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Phương án 2: Giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như cần có thời gian để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống (sau khi ngừng tiếp nhận tờ khai do hết hạn ngạch) khi ban hành Quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương cần thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết, thực hiện.

Ảnh: Kh.V

Sau khi chấm dứt dịch bệnh COVID-19

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.

Biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách quản lý gạo xuất khẩu: Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm Nghị định số107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23.3.2020 và công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4.2020, có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia

Hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1%-3% giá gói thầu. Với mức quy định này chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lý đối với công tác đấu thầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn