MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tổng cục QLTT "quyết" chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu

Cường Ngô LDO | 04/07/2020 10:09
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu chủ yếu là lợi dụng thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu găm hàng, bán xăng ngoài hệ thống, xăng không đảm bảo chất lượng... Đó là lý do Tổng cục Quản lý thị trường và Petrolimex vừa ký quy chế phối hợp.

Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex vừa ký kết quy chế phối hợp, chính thức có hiệu lực từ ngày 3.7.2020.

Theo đó, Petrolimex sẽ giúp Tổng cục quản lý thị trường có những thông tin kịp thời về tình hình xăng dầu trong nước. 

Về phía Tổng cục quản lý thị trường, cơ quan này hỗ trợ Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu.

Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thị trường và một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu trong bối cảnh những vi phạm trong kinh doanh lĩnh vực này vẫn còn diễn ra phức tạp. "Việc hợp tác giữa hai bên được triển khai đúng lúc. Có thông tin kịp thời, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai kiểm tra ngay”, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.

Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường khẳng định quy chế này sẽ được triển khai thiết thực và hiệu quả. Ảnh: C.Ngô 

Theo ông Linh, vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu chủ yếu về điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy phép, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống... Có những ngày cao điểm, lực lượng quản lý thị trường xuyên đêm đi kiểm tra các cây xăng nghi găm hàng, chờ tăng giá.

Trong thời gian 1 năm 8 tháng vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 1800 vụ việc, trung bình mỗi ngày 1,5 vụ bị xử lý, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại xăng dầu rất lớn, bình quân ngày nào cũng phát hiện vi phạm.

“Buôn lậu xăng dầu cũng là vấn đề rất nóng. Đối với vấn đề này, không chỉ có cơ quan quản lý thị trường, mà Ban chỉ đạo 389, cảnh sát biển, biên phòng cùng vào cuộc. Tình hình diễn ra phức tạp, thậm chí nhiều đối tượng xách can vài ba chục lít một qua biên giới”, ông Linh cho biết.

Cũng theo ông Linh, thời gian gần đây phát hiện tình trạng găm hàng không bán. “Đêm hôm mà chúng tôi vẫn phải đo bồn kiểm tra bồn xem còn xăng dầu thật hay không”, ông Linh chia sẻ.

Ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, thời gian qua, Tập đoàn cũng liên tục thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra những vấn đề liên quan đến mặt hàng xăng dầu.

Ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.  Ảnh: C.ngô

Tuy nhiên, hiện nay, Petrolimex có khoảng 2.560 cửa hàng kinh doanh, cùng với gần 15.000 cửa hàng xăng dầu của toàn xã hội, trong đó có gần 4.000 cửa hàng nhượng quyền thương mại, do số lượng quá lớn, cán bộ công nhân viên của đơn vị không thể kiểm soát, kiểm tra toàn diện được, nhất là trong vấn đề nhượng quyền thương mại.

Do vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp với lực lượng QLTT sẽ hỗ trợ Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các cửa hàng xăng dầu Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, thông qua báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Từ năm 2019 đến nay lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 673/1.825 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỉ đồng. Tịch thu 32 cột đo xăng dầu (cột đôi), 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn