MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến quốc lộ 13 kết nối TPHCM và Bình Dương thường xuyên kẹt xe vì mặt đường hẹp. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Hàng loạt dự án BT, BOT sẽ chuyển sang đầu tư công

MINH QUÂN LDO | 27/02/2020 18:52

Hàng loạt dự án trọng điểm về chống ngập và giao thông ở TPHCM trước đây đề xuất triển khai theo hình thức BT, BOT sẽ được chuyển đổi sang đầu tư công.

Ngày 27.2, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, các sở, ngành đã đồng ý đề xuất chủ trương đầu tư công hàng loạt dự án trọng điểm về chống ngập, giao thông ở các cửa ngõ TPHCM. 

Theo đó, các dự án: mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; xây dựng cầu Bình Triệu 2; xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… trước đây đều được các nhà đầu tư đề xuất theo hình thức BOT, BT nhưng hiện tạm dừng. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đề xuất chuyển hình thức đầu tư sử dụng vốn ngân sách.

Theo kế hoạch trong tháng 3.2020, HĐND TPHCM sẽ họp và xem xét thông qua chủ trương đầu tư các dự án này.

Ngoài các dự án trên, dự án trọng điểm khác là đường Vành đai 2 gồm đoạn 1 và 2 cũng sẽ xin HĐND TPHCM chủ trương đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách, thay vì đầu tư một phần vốn ngân sách và một phần theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) như trước.

Cũng tại kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới, UBND TPHCM sẽ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo theo phương thức BOT, trong đó, toàn bộ công tác bồi thường sử dụng ngân sách thành phố.

Theo Sở GTVT TPHCM, nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP trong hai năm qua không triển khai do vướng các thủ tục đầu tư hình thức đối tác công tư, mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung nhưng các nội dụng hướng dẫn vẫn chưa ban hành kịp thời.

Trong khi đó, dự án đầu tư theo hình thức BOT phải nghiên cứu chuyển đổi sang hình thức khác cho phù hợp theo quy định. Các dự án đầu tư theo hình thức BT lại càng gặp khó khăn do quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư chưa có hướng dẫn thanh toán.

Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công được xem là cách xoay trở, tìm hướng ra cho các dự án BT trong khi chờ đợi quy định về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này tạo áp lực rất lớn cho nguồn vốn ngân sách TPHCM.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM thừa nhận, một số công trình giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng do nguồn lực đầu tư hạn chế. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, TPHCM dự kiến triển khai 172 công trình với khoảng 323.000 tỉ đồng. Nhưng đến thời điểm này (bao gồm nguồn vốn chuẩn bị cho năm 2020), TPHCM chỉ huy động được 76.000 tỉ đồng (chiếm 24%).

Lý giải một phần nguyên nhân, theo ông Trần Quang Lâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc tính toán nguồn vốn cho các công trình giao thông dựa trên việc TPHCM đang được Trung ương điều tiết, giữ lại 23% nguồn thu ngân sách, nhưng hiện chỉ còn 18% nên ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình xây dựng, đầu tư phát triển. Hiện thành phố đang xây dựng đề án để trình Quốc hội, Chính phủ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn