MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xa lộ Hà Nội là một trong những đường cửa ngõ phía Đông Bắc đi về trung tâm thành phố thường bị kẹt xe giờ cao điểm Ảnh: M.Q

TPHCM khát vốn làm cầu, đường, nhiều dự án trọng điểm còn... trên giấy

M.Q LDO | 17/05/2018 20:23
Chiều 17.5, UBND TPHCM họp nghe báo cáo sơ kết 2,5 năm thực hiện chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2020. 

Theo đó, trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ chính được coi là quan trọng nhất. Thế nhưng, từ nay đến năm 2020, chỉ còn hơn một năm nữa, nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn còn…nằm chờ vốn.

Theo quy hoạch giao thông vận tải TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, về cơ bản các trục đường bộ chính, các trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm vành đai phải được hoàn thiện.

Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn không được thực hiện đúng kế hoạch. Không chỉ thế, một số dự án được xếp vào diện ưu tiên đầu tư giai đoạn 2013-2015 nhưng đến nay vẫn còn... trên giấy.

Chẳng hạn như dự án xây dựng đường vành đai 2 hiện còn 4 đoạn chưa được xây dựng với tổng chiều dài 13,86km (tổng chiều dài tuyến là 69,2km). Các dự án này đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư vì vốn đầu tư dự án quá lớn, gần 16.500 tỉ đồng.

Cũng giai đoạn 2013-2015, việc đầu tư tuyến đường sắt số 1, số 2 và số 5 phải được thực hiện nhưng đến nay chỉ mới triển khai duy nhất tuyến đường sắt số 1…

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, chương trình giảm ùn tắc giao thông (UTGT) và giảm tai nạn giao thông (TNGT) là một trong 7 chương trình đột phá của theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.

Trong đó, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của TP, kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; ưu tiên phát triển các đường vành đai, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị là mục tiêu trọng điểm.

Để thực hiện mục tiêu này, nguồn lực đầu tư không hề nhỏ là 284.000 tỉ đồng. TP phấn đấu đến năm 2020, đưa vào sử dụng 272km đường bộ nhưng đến tháng 4.2018 mới đưa vào sử dụng là 97,6km (đạt 35,8%).

Vì vậy, theo ông Phong, phải tính toán cân đối nguồn lực như những công trình cấp bách thì sử dụng vốn ngân sách như thế nào? Xác định danh mục và nguồn vốn cho những công trình cấp bách phải triển khai như 4 cầu yếu trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. Riêng TNGT chưa kéo giảm xuống 5%, cho nên từ nay đến cuối nhiệm kỳ triển khai quyết liệt các giải pháp mới đạt được các chỉ tiêu chương trình hành động của chương trình này.

Ông Nguyễn Thành Phong lo lắng, từ nay đến 2020 tốc độ dân số tăng cơ học sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó tốc độ làm mới những con đường, đất dành cho giao thông là hết sức hạn chế, chậm, không đồng bộ dẫn đến tạo áp lực về giao thông. Vì vậy, phải có giải pháp hết sức quyết liệt trong thời gian tới.

“Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để cùng chia sẻ, huy động nguồn lực. Tính toán các dự án từ nay đến nay đến 2020, phải tính toán những dự án mang tính khả thi, kết nối vào mạng lưới giao thông, tính cấp bách công trình thì sử dụng vốn ngân sách, cũng như cách thức huy động” – ông Phong nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn