MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Mua thực phẩm trong siêu thị ra ngoài bán đắt thu lời bất chính

Cường Ngô LDO | 14/07/2021 17:45

Theo Tổng cục QLTT, trong những ngày qua, ở TPHCM có hiện tượng mua số lượng nhiều hàng thực phẩm, nhiều nhất là trứng gà, vịt từ siêu thị đưa ra ngoài bán lại. Trước tình hình này, QLTT sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ.

Ngày 14.7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã có báo cáo về tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả tại một số "điểm nóng" về COVID-19 như TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương...

Theo Tổng cục QLTT, ngày 12.7, sau khi nhiều người dân TPHCM đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống, nhiều siêu thị quá tải phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng.

Tuy nhiên, sáng nay, ngày 14.7, có rất đông người dân đến để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị (đối với siêu thị không phát phiếu hẹn). Trước tình trạng này, Sở Công Thương Thành phố cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt.

Cũng theo Tổng cục QLTT, trong những ngày qua, ở TPHCM có hiện tượng mua số lượng nhiều hàng thực phẩm, nhiều nhất là trứng gà, vịt từ siêu thị đưa ra ngoài bán lại.

Các siêu thị trên địa bàn TPHCM nhộn nhịp người tới mua sắm sau khi có thông tin thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 31.5. Ảnh: Anh Tú

Trước tình hình này, quản lý thị trường TPHCM kêu gọi người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; doanh nghiệp không tăng giá hàng hóa vô lý. Lực lượng này sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...

Hiện, TPHCM đã phối hợp cùng các siêu thị, doanh nghiệp phân phối... mở thêm nhiều điểm bán lưu động với giá bình ổn, đưa hàng về tận các khu dân cư, nhất là vùng bị phong tỏa. Từ 13.7, 34 điểm bán tại hệ thống bưu cục của Viettel Post, khoảng 200 điểm bán lưu động tại bưu cục của Bưu điện Việt Nam (VNPost) và các điểm bán của siêu thị Aeon, MM Mega Market tại một số quận, huyện đã mở để giảm "áp lực".

Nhiều tỉnh thành hàng hóa ổn định

Tại thành phố Cần Thơ, theo Tổng cục QLTT, sau khi xảy ra việc mua vét hàng vào tối 11.7 (trước ngày giãn cách xã hội), từ ngày 12.7 đến nay, thị trường Cần Thơ ổn định hàng thực phẩm tại các siêu thị đầy đủ, giá không tăng.

Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, thị trường ổn định, hàng thực phẩm tại các siêu thị và chợ đầy đủ, giá không tăng giá.

Ở tỉnh Đồng Nai, theo thống kê sơ bộ, lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày 14.7 đã giảm so với các ngày trước. Tuy nhiên, đơn hàng đặt online vẫn tăng nhiều, nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh.

Các siêu thị đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân, chỉ có siêu thị Lotte Mart chiều tối 13.7, các mặt hàng như trứng, mì gói tạm hết, nhưng sáng nay được bổ sung đầy đủ; thịt các loại (gà, heo, hải sản…). Giá các loại lương thực, thực phẩm ổn định, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay... sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không thay đổi.

Tại tỉnh Long An, theo ghi nhận của Tổng cục QLTT, người dân đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua hàng thực phẩm tăng mạnh, dẫn đến tình trạng hết hàng thường xuyên đối với các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, giá tăng khoảng 50%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn