MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu thị ở TP.HCM đảm bảo lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân khi thành phố thực hiện siết chặt Chỉ thị 16. Ảnh: N.Q

TPHCM siết chặt thực hiện Chỉ thị 16, nguồn cung hàng thiết yếu có đảm bảo?

Cường Ngô LDO | 23/07/2021 17:35

Đại diện một số siêu thị cho biết, hàng hoá đã được dự trữ số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ người dân trong điều kiện TP.HCM siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách để phong toả, kiềm chế tốc độ lây lan của COVID-19.

Hàng hoá dồi dào, đủ cung cấp trong vòng 90 ngày

Trong 2 tuần tới, TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách để phong toả, kiềm chế tốc độ lây lan của COVID-19.

Nội dung được nêu trong Chỉ thị 12 của Ban thường vụ Thành uỷ TP;HCM trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm của đợt bùng phát dịch thứ tư.

Cụ thể, cư dân ở các khu phong toả cần thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp người xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp).

Việc TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16, nhiều người đặt câu hỏi việc cung ứng hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có đảm bảo?

Trao đổi với Lao Động, đại diện một số siêu thị cho biết, hàng hoá đã được dự trữ số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ người dân trong điều kiện TPHCM thực hiện siết chặt Chỉ thị 16.

Đại diện truyền thông siêu thị Mega Market (MM) cho biết, về nguồn hàng dự trữ, đối với hàng tươi sống, MM Mega Market đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ lên 3 - 4 lần.

"Đối với hệ thống siêu thị của chúng tôi, hiện có các trung tâm phân phối ở Đà Lạt chuyên cung cấp rau củ quả; trung tâm phân phối ở Hà Nội, Đồng Nai cho mặt hàng thịt heo và trung tâm phân phối ở Cần Thơ cho các mặt hàng cá, hải sản.

Đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm khác, sản lượng dự trữ đã tăng lên gấp đôi hoặc gấp 3 lần, đủ cung cấp cho khoảng 60 ngày, thậm chí là 90 ngày đối với mặt hàng thiết yếu" - đại diện siêu thị MM Mega Market cho hay.

Siêu thị ở TP.HCM đảm bảo lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân khi thành phố thực hiện siết chặt Chỉ thị 16. Ảnh: N.Q

Bên cạnh đó, siêu thị này còn cho biết, đã có các kế hoạch dự phòng đảm bảo trung tâm phân phối, kho trung chuyển vẫn hoạt động xuyên suốt, nhằm ổn định chuỗi cung ứng và đảm bảo hàng hóa cho thi trường TP.HCM.

Về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho khách hàng, cũng như thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, theo đại diện siêu thị MM Mega Market. Tùy theo mặt bằng từng trung tâm, siêu thị sẽ sắp xếp hợp lý số lượng khách hàng vào bên trong mua sắm, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn, tránh tình trạng khách hàng tập trung quá đông bên trong khuôn viên rrung tâm.

Lượt khách kế tiếp sẽ được xếp hàng chờ ở khu vực bãi đỗ xe hoặc ở cổng nếu khu vực này vượt quá số lượng người cho phép.

Sẽ có hướng dẫn cụ thể khi TP.HCM thực hiện siết chặt Chỉ thị 16

Đại diện Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cũng khẳng định, hiện nay, tình hình nguồn cung hàng hóa tại TP.HCM và một số địa phương phía Nam dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khi TP.HCM thực hiện siết chặt Chỉ thị 16, Tổ công tác của Bộ Công Thương cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

“Chúng tôi sẽ có kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16.

Đồng thời, các địa phương có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Y tế để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu” - đại diện Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương có nhiệm vụ bảo đảm việc cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã làm tăng áp lực cho các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và người dân khó tiếp cận nguồn hàng.

Thực tế, TP.HCM đang thiếu các địa điểm để tập kết hàng hoá thay thế cho chợ đầu mối. Do đó, các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng.

“Nếu chúng ta không làm tốt, không mở lại các chợ truyền thống thì chắc chắn sẽ thiếu hàng mà không thể khắc phục được. Qua kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua, cũng đề nghị là không đóng cửa tất cả chợ truyền thống và các chợ đầu mối, phải tăng cường việc đảm bảo các điều kiện chống dịch” - ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn