MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021. Ảnh: H.Ánh

TPHCM "tụt hạng" chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2021

Vũ Long LDO | 10/05/2022 17:14

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, Thừa Thiên Huế dẫn đầu và TPHCM thuộc nhóm có số điểm thấp nhất.

Ngày 10.5, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.

Căn cứ kết quả PAPI, UNDP cho biết, trong số các địa phương, Thừa Thiên - Huế là tỉnh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2021 trên cả nước, với 48,059 điểm. 

Tiếp sau đó, tỉnh Bình Dương đứng thứ hai với 47,178 điểm và Thanh Hóa đứng thứ ba, đạt 47,102 điểm.

5 thành phố trực thuộc Trung ương, thì Hà Nội đạt 44,447 điểm; Hải Phòng đạt 44,005 đểm; Đà Nẵng đạt 42,557; Cần Thơ đạt 41,230; TPHCM đạt 40,677 điểm - như vậy, TPHCM thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất.

Điều này cho thấy ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực và toàn diện không chỉ lên nền kinh tế, mà còn khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công ở TPHCM - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của "làn sóng lần thứ tư" của đại dịch nguy hiểm này.

Được biết, PAPI 2021 xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công của 63 tỉnh thành trên cả nước. Để xếp hạng, PAPI 2021 đo lường 8 chỉ số nội dung, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2021, so với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có ​​sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”.

Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.

TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhấn mạnh: Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn