MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa sau khi quý I/2020 giảm sút do dịch COVID-19. Ảnh: M.Q

TP.Hồ Chí Minh: Quyết gỡ khó cho 77 dự án trong tháng 4.2020

minh quân LDO | 04/04/2020 10:19

Tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ 2019. Một loạt các chỉ số có liên quan như sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng vốn đầu tư xã hội… đều giảm khá mạnh. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố đang phấn đấu giải quyết xong các khó khăn của doanh nghiệp tại 77 dự án được tổ đầu tư giao trong tháng 4.2020.

5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm

Đáng chú ý có đến 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố có mức tăng trưởng âm, gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%, vận tải kho bãi giảm 0,37%, kinh doanh bất động sản giảm 12,85%, giáo dục - đào tạo giảm 26,57%, y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%... 

Theo đánh giá của Cục Thống kê TPHCM, chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Cũng trong quý I/2020, TPHCM có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể, tăng 37,6% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỉ đôla Mỹ, giảm gần 33% so với cùng kỳ.

Báo cáo HĐND TPHCM tại họp kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường) mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thu ngân sách của thành phố gặp nhiều khó khăn, trung bình mỗi ngày chỉ thu gần 899 tỉ đồng, giảm 35% so cùng kỳ. Do đó chỉ tiêu dự toán năm 2020 là 405.828 tỉ đồng chắc chắn sẽ rất khó đạt.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND TP  Nguyễn Thành Phong  cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành cẩm nang kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Qua đó, thành phố sẽ làm cầu nối giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ (gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỉ đồng...).

“Sắp tới, thành phố tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và từ ngân sách thành phố cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19” - ông Phong nói.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, giải pháp trước mắt, TPHCM sẽ thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Thực hiện việc hỗ trợ gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế; xem xét việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30.6.2020 (kéo dài thêm 3 tháng so với quy định hiện hành).

Đối với các hộ, cá nhân phải tạm ngưng kinh doanh do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được cơ quan thuế hướng dẫn và ban hành quyết định miễn (giảm) thuế. Việc áp dụng quyết định này tương ứng với thời gian tạm ngưng kinh doanh, số tiền thuế miễn (giảm) được tính trọn tháng bị ảnh hưởng của việc tạm ngưng kinh doanh.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Liên quan đến các dự án đang vướng mắc, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, tổ công tác đầu tư thành phố tiếp tục họp hằng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các sở ngành phấn đấu giải quyết xong các khó khăn của doanh nghiệp tại 77 dự án được tổ đầu tư giao trong tháng 4.2020.

Nhằm kích cầu kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong năm 2020, TPHCM hoàn thành 37 dự án (với tổng mức đầu tư hơn 39.000 tỉ đồng), khởi công 34 dự án đầu tư công (với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỉ đồng).

Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn và Quốc hội Việt Nam dự kiến thông qua vào kỳ họp sắp tới. Đây là cơ hội nâng cao sản xuất, chất lượng hàng hóa. Vì vậy, UBND TPHCM đã giao cho Sở Công Thương rà soát lại các chính sách, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, chuẩn bị cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM.

“Thành phố sẽ có các giải pháp nâng cao chỉ số sản xuất của các ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất, caosu, nhựa và chế biến lương thực thực phẩm” - ông Kiên nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn