MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mít giải cứu vẫn ê hề đường phố Hà Nội do bị hạn chế thông quan. Ảnh: HỮU CHÁNH

Trái cây vẫn tắc qua cửa khẩu với Trung Quốc: Làm sao để bớt những giọt nước mắt của nông dân?

CƯỜNG NGÔ LDO | 18/03/2022 11:18

Dưa hấu, thanh long, mít Thái giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đang được đổ đống bán lẻ tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tình trạng này xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay vẫn chưa chấm dứt; đòi hỏi các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài. 

Vẫn tràn lan trái cây... giải cứu

Gần 22 giờ khuya 16.3, ở đường gom Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), một xe tải 20 tấn vẫn chất đầy mít Thái, dưa hấu và thanh long. Số hàng này được nhóm thanh niên tất bật khuân vác, chằng buộc, cân kéo cho khách hàng.

Minh - chủ một xe hàng bán mít cho biết, đây đều là hàng từ các tỉnh phía Nam chuyển ra, nhưng do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu mít Thái qua đường tiểu ngạch, nên thương lái dựng lại, bán tại đây, được đồng nào hay đồng đó. "Chuyến này có hàng tấn mít, nhóm của tôi đã bán tại tuyến phố này được 10 ngày, nhưng hàng vẫn còn nhiều. Nghe nói giờ này lên đến khu vực tỉnh Lạng Sơn thì không thông quan được, cũng không quay lại được", anh Minh bộc bạch.

Với quan điểm "vớt được đồng nào hay đồng đó", nên chủ các xe tải trái cây đồng loạt bán với giá chỉ 10.000 đồng/kg mít Thái; 70.000 đồng/một thùng 10kg thanh long (tính ra 7.000 đồng/kg). Trong khi trên thị trường, giá thanh long ruột đỏ được chào bán từ 35.000-50.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng cũng dao động ở mức 30.000 đồng/kg, mít Thái cũng 50.000 đồng/kg.

"Hiện nay, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn" - đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội diễn ra sáng ngày 16.3.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tại 3 cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hiện năng lực thông quan tại 3 cửa khẩu này khá chậm; lưu lượng xe hàng xuất khẩu và xe hàng nhập khẩu là không đồng đều.

Cụ thể, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, ngày 15.3 xuất khẩu được 25 xe hàng; trong đó, có 23 xe hoa quả; nhập khẩu 38 xe hàng. Số phương tiện còn tồn tính đến 20 giờ cùng ngày là 835 xe; trong đó 722 là xe hoa quả. Tại cửa khẩu song phương Chi Ma, ngày 15.3 không có xe xuất nhập khẩu. Số phương tiện còn tồn tính đến 20 giờ cùng ngày là 12 xe chủ yếu là ván bóc và mặt hàng khác.

Nguyên nhân cửa khẩu song phương Chi Ma không có xe xuất nhập khẩu là do Trung tâm Quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn nhận được thông báo qua điện thoại từ Ngoại vụ huyện Ninh Minh (Trung Quốc) về cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm tạm dừng thông quan do phía Trung Quốc phát hiện ca dương tính COVID-19; khả năng sẽ dừng đến ngày 17.3 hoặc 18.3. 

Mấu chốt là nông dân, doanh nghiệp phải quản trị chất lượng từ gốc

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính. Nếu doanh nghiệp đặt vấn đề sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc với tiêu chuẩn cao như đi Mỹ, EU, Nhật Bản, kết hợp tăng đầu tư chế biến, chủ động điều tiết lượng hàng xuất khẩu trong thời điểm nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch rộ, thì sẽ giảm thiểu thiệt hại.

"Mấu chốt là nông dân, doanh nghiệp phải quản trị chất lượng từ gốc, đầu tư hệ thống nhà máy chế biến tại nhiều vùng. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến", ông Toản nói và phân tích - thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, chưa chú trọng đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều loại rau, củ, quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Ông Toản khẳng định, để gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có duy nhất con đường xuất khẩu chính ngạch. Về phía người sản xuất, thì mấu chốt là nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.

"Ai cũng thấy là cần phải thay đổi, vậy thay đổi thế nào?" là câu hỏi được rất nhiều thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đặt ra. Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói với Lao Động, để thay đổi một mặt cần vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái (thực chất là doanh nghiệp nhỏ) thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới để tránh tình trạng mua bán được chăng hay chớ. Theo đó, rất cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm.

Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu. Cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ có đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối ở bên kia biên giới, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu trái cây vào nền nếp.

"Thực chất hiện nay những doanh nghiệp như vậy đã có, nhưng số lượng chưa nhiều. Trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái" - ông Hải nói.

Đương nhiên, cũng còn rất nhiều việc khác phải làm. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, một việc cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu chính ngạch. 

Bên cạnh đó cần đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu; xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa để giảm tải cho cửa khẩu bằng. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. "Được như vậy thì xuất khẩu sẽ dần trở thành chính ngạch, bớt đi những giọt nước mắt, những tiếng thở dài của người nông dân mỗi mùa trái cây vào vụ" - ông Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn