MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng và đầy rủi ro

Vũ Long LDO | 21/07/2020 14:50

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng và đầy rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2020.

Sáng 21.7, tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II và sáu tháng đầu năm 2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết trong sáu tháng đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 120,8 nghìn tỉ đồng, tương đương 46,5% kế hoạch gọi thầu cả năm 2020.

Kỳ hạn gọi thầu bình quân là 13,4 năm, xấp xỉ bình quân 2019 nhưng lãi suất trúng thầu bình quân đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ ở mức 2,93%/năm (so với bình quân 4,6%/năm của 2018 và 2019).

Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm ước tính ở mức 159 nghìn tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại phát hành 42,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm.

So với lãi suất tiền gửi thì đây là một mức lãi suất cao và hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Tuy nhiên, do tại Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái  phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Trước mắt do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó gây nên việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.

Đổ tiền vào trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thì rủi ro rất lớn.

Nhà đầu tư không hiểu được khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Bởi vậy, dù doanh nghiệp cam kết lãi tới 20%/năm nhưng doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì vẫn có nguy cơ mất vốn.

(Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn