MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trái phiếu thế giới ra sao sau giai đoạn biến động?

Quý An (dịch) LDO | 06/04/2023 07:58
Lợi tức trái phiếu ở một số nền kinh tế lớn đang giảm ở mức kỷ lục trong nhiều năm. Diễn biến thị trường trái phiếu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương các nước sẽ nới lỏng hay thắt chặt để theo đuổi cuộc chiến chống lạm phát. 

Khó lường

Trong tháng 3 lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm 65 điểm cơ bản, tiệm cận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1.2008. Nguyên nhân do các ngân hàng như Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ cùng cuộc khủng hoảng của Credit Suisse.

Tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, điều này làm tăng rủi ro trong việc ổn định tài chính, đẩy nợ chính phủ lên cao. Bên cạnh đó, giới đầu tư đang có tâm lý tìm nơi trú ẩn tài sản an toàn.

Trước đó, trong tháng 2, lợi tức 2 năm của trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng 59 điểm cơ bản. Tăng mạnh rồi giảm sốc, trong 2 tháng qua, lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã trải qua sự biến động cao nhất trong thị trường trái phiếu kể từ năm 2008.

Mike Riddell - chuyên gia quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định cấp cao tại Allianz Global Investors - đánh giá: “Đó không phải là một sự việc bình thường”.

Lợi suất 2 năm của trái phiếu kho bạc Mỹ hiện chỉ ở mức trên 4%. Mức này từng xuất hiện vào đầu tháng 2 trước khi tăng lên hơn 5%, rồi đến khi SVB sụp đổ vào ngày 10.3, lợi suất sau đó lao dốc.

"Sự dao động 100 điểm cơ bản trong khoảng thời gian 6 tuần, đó là loại biến động thường chỉ nhìn thấy ở giữa một cuộc khủng hoảng lớn" - Riddell phân tích.

Các thị trường đang nhận định rằng, xác suất 50% FED sẽ hướng đến mức lãi suất 5,7% trong năm nay.

Tại châu Âu, lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu hiện ở mức khoảng 3,5%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc 2 năm của trái phiếu ECB giảm 24 điểm cơ bản trong quý I/2023 - mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Đức đã giảm 35 điểm cơ bản trong tháng 3 - mức giảm hàng tháng lớn thứ hai kể từ năm 2011, tuy nhiên lại tăng 5 điểm cơ bản trong quý. Điều này cho thấy sự dao động của thị trường trái phiếu đang khó lường.

Không chỉ ở Mỹ và châu Âu, lợi tức trái phiếu ở Úc kỳ hạn 2 năm đã giảm hơn 50 điểm cơ bản trong tháng 3 - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2012. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 với mức giảm 19 điểm cơ bản.

 Lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm kỷ lục. Ảnh: Xinhua

Điều gì sẽ đến?

Tình hình trong tương lai có thể phụ thuộc vào việc liệu căng thẳng ngân hàng có dẫn đến khủng hoảng tín dụng hay không?

Những ngân hàng như JPMorgan, BofA và Morgan Stanley kỳ vọng lợi suất trái phiếu kho bạc sẽ thấp hơn vào cuối năm 2023. Trong khi đó, những tổ chức khác như Goldman Sachs và BNP Paribas lại nghĩ về một sự gia tăng.

Mauro Valle, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Generali Investments, cho biết: “Nếu cho rằng việc ổn định tài chính là một vấn đề ít hấp dẫn hơn, nhỏ hơn so với việc ổn định giá cả… thì lãi suất không nên giảm quá nhiều”.

Một số ý kiến cho rằng, khủng hoảng của ngành ngân hàng đã làm tăng rủi ro suy thoái, trái ngược hoàn toàn với thị trường chứng khoán vẫn tăng 1% trong tháng 3 (mặc dù nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh).

Chuyên gia Mike Riddell dự báo ​​sẽ có một cuộc suy thoái sắp tới, có nghĩa là FED có thể sẽ hạ cánh với lãi suất thấp hơn nhiều so với mức 3% trong 12-18 tháng kể từ thời điểm này.

Craig Inches - Chuyên gia của Royal London Asset Management - cho biết, nhiều áp lực tương tự đã khiến các ngân hàng trung ương không yên tâm về việc tạm dừng tăng lãi suất vì lạm phát vẫn ở mức cao.

Inches nói: “Nếu các ngân hàng trung ương thực sự tạm dừng hoặc bắt đầu cắt giảm lãi suất thì sẽ mở ra một vấn đề thực sự đối với kỳ vọng lạm phát trong trường hợp một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống lớn không thành sự thật”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn