MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
So với cách đây 3 năm, giá tràm ở Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã giảm một nửa. Ảnh: Phương Anh

Tràm cây giảm giá, nông dân giảm nửa thu nhập

PHƯƠNG ANH LDO | 15/08/2023 16:12

Giá tràm cây ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) giảm thấp và duy trì thời gian dài làm người dân trồng tràm gặp khó khăn. So với cách đây 3 năm, người trồng tràm bị giảm khoảng 50% thu nhập.

Vừa bán 3 công tràm (3.000m2) 4 năm tuổi với giá 8 triệu đồng/công, anh Lê Minh Tuấn ở xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, giá này đã giảm một nửa so với 3 năm trước đó. Với giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình chỉ còn lãi được khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Anh Tuấn cho biết: “Chi phí đầu tư mỗi công khoảng 2 triệu đồng tiền cây giống, chưa tính đến chi phí phun xịt thuốc, thuê nhân công cắt tỉa cành. Tràm trồng từ 3 - 4 năm mới cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian ấy không có thu nhập gì khác trên đất trồng tràm”.

Cũng theo anh Tuấn, giá thấp như hiện nay, nếu bán thì lãi ít, mà để cây tràm quá lứa thêm 1-2 năm lại càng khó bán hơn. Còn giá này đối với những hộ thuê đất để trồng tràm thì xem như thua lỗ.

Giá tràm giảm người trồng tràm giảm nửa thu nhập. Ảnh: Phương Anh

Không chỉ người trồng mà những hộ mua tràm về bán lại cho các vựa lớn cũng bị ảnh hưởng.

Ghi nhận tại xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nhiều điểm thu mua tràm cũng không còn sôi động như trước. Giá tràm tại vườn giảm đồng nghĩa với việc giá tràm bán ra cho các vựa cũng bị giảm theo. Nếu như 3 năm trước một cây cừ tràm loại 4,5 cm (đường kính) có giá 34.000 đồng/cây thì nay chỉ còn 17.000 đồng/cây. Các loại tràm đường kính từ 3,8 - 4 cm cũng giảm còn nửa giá, chỉ còn ở mức từ 5.000 - 15.000 đồng/cây.

“Với giá này mình đi mua về bán lại mỗi công còn lãi từ 1 - 1,2 triệu đồng, mà bán rất chậm, có khi cả tháng trời mới bán xong một đám tràm 1ha. Thêm điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ lại mua trước trả tiền sau dẫn đến nhiều lúc đứt đoạn nguồn vốn, không xoay sở kịp”.

Nhiều vựa tràm gặp khó do sức tiêu thụ tràm chậm. Ảnh: Phương Anh

Toàn huyện Mỹ Tú có trên 2.000 ha trồng tràm. Nhiều năm về trước, người dân ở các xã Hưng Phú, Long Hưng, Mỹ Phước có cuộc sống ổn định cũng nhờ cây tràm. Bởi đây là vùng trũng, nhiễm phèn mặn, các loại cây như lúa, hoa màu, cây ăn trái cho năng suất thấp, chỉ có cây tràm là sinh trưởng phát triển tốt ngay cả điều kiện thổ nhưỡng bất lợi.

Thời “hoàng kim”, nông dân trồng tràm bán 180 - 200 triệu đồng/ha. Song, từ năm 2021 đến nay, giá tràm giảm mạnh, có lúc chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/ha, làm người trồng tràm gặp nhiều khó khăn. Nếu bán giá thấp thì không có lãi, thậm chí thua lỗ, còn để cây quá lứa sẽ càng khó bán hơn.

Theo nhiều hộ trồng tràm cho biết, nguyên nhân giá tràm sụt giảm là do thời gian qua giá vật tư xây dựng tăng làm ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng, đồng thời các chủ thầu xây dựng chuyển sang dùng ép trụ bêtông thay cừ tràm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn