MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm trộn bêtông của Công ty TNHH Thịnh Đức Tiến hoạt động không có giấy phép xây dựng ở thôn Hốc Nhãn, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: PV

Tràn lan trạm bê tông không phép ung dung hoạt động

Nhiệt Băng LDO | 17/02/2020 06:26
Hoạt động của các trạm trộn bêtông không phép gần như nằm ngoài tầm ngắm của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa. Gần đây, các lực lượng chức năng mới “ra quân” kiểm tra, đề xuất xử lý, trong khi những trạm này đã tồn tại rất nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường, phá hại đường sá... khiến người dân bức xúc.

Thách thức pháp luật!

Trạm trộn bêtông Khánh Vĩnh (đặt tại thôn xã Vĩnh Trung, Nha Trang) của Công ty TNHH Bêtông Khánh Vĩnh bắt đầu thành lập, hoạt động từ tháng 6.2017, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng trạm trộn bêtông. Trong 3 năm ngang nhiên hoạt động trái phép, nhưng đơn vị này không bị ngăn chặn, đình chỉ. Ngược lại, công ty này vẫn hoạt động trộn bêtông thương phẩm để cung ứng cho các công trình xây dựng trên địa bàn.

Ông Lương Minh Cường - Giám đốc Công ty TNHH Bêtông Khánh Vĩnh - thừa nhận, đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có giấy phép xây dựng trạm trộn bêtông. Trong khi đó, doanh nghiệp này tiếp tục thuê đất, mở thêm một trạm khác ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh để hoạt động.

Trên tỉnh lộ 3, đoạn qua thôn Hốc Nhãn, xã Phước Đồng (Nha Trang), Công ty TNHH Thịnh Đức Tiến cũng đặt trạm trộn bêtông thương phẩm, hoạt động suốt nhiều năm qua, nhưng không có giấy phép xây dựng trạm. Sau khi được ông Lê Đức Vinh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (đã bị cách chức) - ký quyết định cho thuê 6.158,7m2 đất vào đầu tháng 4.2015, Công ty Thịnh Đức Tiến đặt trạm trộn bêtông và ngang nhiên hoạt động mà không có giấy phép.

Ngoài trạm trộn bêtông tại xã Phước Đồng, Công ty TNHH Thịnh Đức Tiến còn đặt thêm một trạm khác ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Đáng chú ý, dự án Khu đô thị Quốc Anh (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng) dù chưa triển khai, chậm tiến độ nhưng nhiều năm qua cũng “mọc lên” trạm trộn bêtông. 

Mới phát hiện và chưa bị xử lý

Báo cáo kiểm tra, xử lý các trạm trộn bêtông vào ngày 4.2 của Sở Xây dựng Khánh Hòa thì tại tỉnh này, chỉ 5 trạm có giấy phép xây dựng, 1 trạm được tỉnh Khánh Hòa chủ trương cho phép đặt trạm, còn 11 trạm không có giấy phép xây dựng. Trong đó, 8 trạm trộn bêtông sử dụng vật liệu cát nhưng chưa thực hiện chứng nhận hợp quy vật liệu theo quy định. 

Theo Sở Xây dựng, đến nay, chỉ duy nhất 1 trạm bêtông của Công ty CP Đầu tư Du lịch biển Nam Hùng đặt tại dự án Trung tâm dịch vụ du lịch biển Nam Hùng (lô TT3+X5, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) đã tháo dỡ toàn bộ và trả lại hiện trạng ban đầu. Các trạm còn lại vẫn đang trong giai đoạn xử lý.

Ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - cho biết, tại báo cáo kiểm tra các trạm bêtông trên địa bàn vào ngày 4.2, 7 trạm trộn bêtông thi công không có giấy phép xây dựng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Theo ông Thọ, đối với trạm trộn bêtông của Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh vật liệu xây dựng Ánh Dương tại Lô T21 (Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm) được UBND tỉnh có chủ trương cho phép lắp đặt tạm thời (thời gian hoạt động 2 năm, kể từ ngày 28.3.2018), Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Cam Lâm giám sát thời hạn hoạt động của trạm trộn. Quá thời hạn mà doanh nghiệp không hoàn tất hồ sơ pháp lý liên quan thì thực hiện cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Đối với 7 trạm trộn bêtông thi công không có giấy phép xây dựng nhưng chưa được xử lý (trạm trộn bêtông của các công ty gồm Công ty TNHH Thịnh Đức Tiến, Công ty CP Xây dựng Khánh Hòa, Công ty TNHH Tân Thịnh Phát, Công ty CP Tư vấn lắp đặt và đầu tư xây dựng TKD, DNTN Phương Đài, Công ty CP Sản xuất thương mại bêtông Phương Anh và Công ty TNHH Xây lắp số 1), căn cứ phân cấp, phối hợp quản lý và xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh, các công trình xây dựng không có giấy phép thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện. Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh giao chính quyền các huyện (nơi có công trình vi phạm) xử lý vi phạm và thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn