MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh cãi về đề xuất xây 2 thuỷ điện trên sông Hồng

Anh Tuấn LDO | 17/04/2023 15:33

Bộ Xây dựng cho rằng, hồ sơ của hai dự án thuỷ điện Thái Niên và dự án thủy điện Bảo Hà (xây dựng trên sông Hồng) cần bổ sung nhiều nội dung để có cơ sở đánh giá và xem xét việc bổ sung quy hoạch thủy điện.

Đề xuất xây 2 thuỷ điện trên sông Hồng

Hồi tháng 9.2022, tỉnh Lào Cai đề xuất Chính phủ xem xét cho chủ trương nghiên cứu tiềm năng thủy điện trên sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và xây dựng 2 dự án thủy điện trên sông Hồng, gồm dự án thủy điện Thái Niên và dự án thủy điện Bảo Hà (công suất mỗi dự án 75 MW) thuộc địa bàn các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn. 

Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hiện đang xem xét, đánh giá việc khai thác tiềm năng thủy điện cột nước thấp trên các sông ở Miền Bắc.

Trong đó, Bộ Công Thương ủng hộ việc xã hội hóa, mở rộng đối tượng được tham gia nghiên cứu và phát triển các dự án thủy điện, kể cả các dự án thủy điện bậc thang và dự án có nhiệm vụ đa mục tiêu. 

Góp ý với đề xuất xây dựng 2 thuỷ điện trên sông Hồng, Bộ Xây dựng cho rằng - cần có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện có liên quan của 2 dự án nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các dự án thủy điện theo quy định.

Đồng thời, cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du của dự án.

Thượng lưu thủy điện Tuyên Quang - một nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng. Ảnh: EVN

Cũng theo Bộ Xây dựng, hồ sơ cần bổ sung các bản vẽ thiết kế phương án đấu nối của dự án vào lưới điện khu vực (trạm biến áp và hệ thống cột điện lưới điện đấu nối), nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và thuyết minh các nội dung về đầu tư xây dựng của dự án.

Dự án thủy điện Thái Niên có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 74 m. Dự án thủy điện Bảo Hà có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 63 m.

Với đề xuất về quy mô công suất 2 dự án trên, Bộ Xây dựng cho rằng, cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực dự án, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện.

“Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ bổ sung quy hoạch của dự án nhằm đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt…

Hồ sơ bổ sung quy hoạch cần được rà soát, cập nhật cụ thể nội dung đánh giá tác động đến môi trường, tích trữ và điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho khu vực hạ lưu sông Hồng, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân hạ du của dự án", Bộ Xây dựng góp ý.

Cần thiết xây dựng nhưng phải đảm bảo an toàn hồ đập

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương cho biết, theo dự báo đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung cấp điện.

Do vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải song hành cùng phát triển bền vững và hiệu quả thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp bách đặt ra.

"Việc xây dựng hai thuỷ điện Thái Niên và Bảo Hà là cần thiết, tuy nhiên, với công suất khoảng 75 MW được xếp vào dạng thuỷ điện nhỏ và rất nhỏ.

Dù vậy, khi xây dựng cần phải đảm bảo các điều kiện an toàn về hồ đập, vùng hạ du, đảm bảo sinh kế cho người dân tái định cư khi xây dựng thuỷ điện", ông Lâm nói.

TS Ngô Đức Lâm. Ảnh: Tuấn Phong

Theo ông Lâm, sau khi xây dựng xong công trình, chủ đầu tư phải tổ chức thi công khôi phục lại hiện trường.

Đây là việc làm mà chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện. Công tác hoàn thổ bao gồm phá dỡ, thu dọn nhà xưởng, san lấp lại mặt bằng tất cả các vị trí đã đào bới, trồng cây kể cả trồng lại rừng.

Đồng thời, để phát triển bền vững thủy điện nhỏ, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và địa phương, thực hiện tốt quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện bền vững.

Điều này thực hiện trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn