MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách đón xe buýt ở trạm Hàm Nghi (quận 1). Ảnh: Chân Phúc

Tranh cãi việc xe buýt không "sống" được nếu bỏ trợ giá

MINH QUÂN LDO | 28/07/2022 18:49

TPHCM - Trước việc một doanh nghiệp tuyên bố sẵn sàng khai thác các tuyến xe buýt ở nội đô TPHCM mà không cần trợ giá, nhiều ý kiến chuyên gia và bản thân các doanh nghiệp đang khai thác xe buýt cho rằng xe buýt phải trợ giá mới hoạt động được.

Ngày 27.7, tại hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức, vấn đề “bỏ trợ giá xe buýt được không?" được nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp tranh luận sôi nổi.

Hiện TPHCM đang có 128 tuyến xe buýt hoạt động, gồm 91 tuyến trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm TPHCM chi ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng trợ giá cho loại hình này nhưng lượng khách ngày càng giảm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang khẳng định công ty này sẵn sàng tham gia khai thác các tuyến xe buýt trong nội đô TPHCM mà không cần trợ giá.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt khẳng định nếu xe buýt không có trợ giá thì không doanh nghiệp nào sống nổi. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là bởi hiện nay tại TPHCM có phương tiện cá nhân dày đặc khiến cho xe buýt “hết đường chạy”. Việc này dẫn đến trễ chuyến, chậm chuyến thường xuyên diễn ra khiến cho những đối tượng thường chọn phương tiện này để di chuyển chính cũng dần rời xa.

“Nói thẳng là xe buýt không trợ giá đến thời điểm này là không hoạt động được. Lý do là hiện nay tắc đường dữ lắm rồi, hành khách định không thể nào được. Nếu không có hạn chế xe cá nhân, không có giảm được ùn tắc thì xe buýt cũng sẽ chết, đấu thầu 2 - 3 năm sau thì cũng sẽ ngưng” – ông Nguyễn Tấn Tạo - Phó Giám đốc HTX vận tải số 15 nói.

Ùn tắc giao thông khiến xe buýt TPHCM thường xuyên trễ giờ. Ảnh: Minh Quân

Dẫn chứng về hiệu quả của việc trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM lấy ví dụ: Nếu như tất cả chúng ta là người dân, giữa một anh là không trợ giá, nhà nước không mất tiền thì giá vé là 20.000 - 23.00 nghìn đống/vé. Còn một anh có trợ giá, nhà nước mất tiền thì giá vé 5.000 - 7.000 nghìn đồng/vé.

"Vậy người dân chọn ai? Chắc chắn người dân sẽ chọn anh với giá vé thấp hơn. Tuy nhiên, dù trợ giá hay không, chúng ta phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu" - ông Hưng nói.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT khẳng định, với vận tải hành khách công cộng kể cả trên thế giới hiện nay, nếu không trợ giá không làm được. Tuy nhiên, trợ giá ở mức nào, doanh nghiệp và nhà nước chịu ở mức nào? 

“Chúng ta nên khuyến khích theo chiều hướng nếu doanh nghiệp mạnh như Phương Trang vào đấu thầu mà nhà nước không cần trợ giá nhiều thì hoan nghênh. Người dân không quan tâm ai khai thác tuyến buýt mà chỉ cần phương tiện tốt, dịch vụ tốt thì sử dụng” – ông Mười nói. 

Cũng theo Mười, một tuyến xe buýt liên tỉnh thì không cần trợ giá nhưng tuyến buýt ngắn khoảng 15-20 km không trợ giá sẽ lỗ và lỗ rất lớn.

Tuy nhiên, cũng tuyến đó ra đấu thầu mà Phương Trang chỉ cần 15% trợ giá thôi mà vẫn vận hành tốt thì đồng ý cho khai thác. "Lợi ích cho người dân đặt lên đầu tiên, giảm chi phí cho Nhà nước thì càng tốt" - ông Mười nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn