MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội) xảy ra tranh chấp nhiều năm giữa cư dân và chủ đầu tư về hệ thống PCCC. Ảnh: PV

Tranh chấp chung cư kéo dài, không cấp dự án mới với chủ đầu tư: Có đủ sức răn đe?

T.CHÍ LDO | 03/04/2018 19:18

Đây được xem là động thái cứng rắn của UBND TP Hà Nội nhằm gây áp lực với chủ đầu tư để xảy ra tranh chấp chung cư kéo dài.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng. Theo đó, cơ quan này yêu cầu chủ đầu tư các dự án chung cư xử lý dứt điểm những khiếu nại của cư dân.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại của người dân đối với chủ đầu tư dự án hoặc đơn vị quản lý vận hành, các đơn vị phải đối thoại, khẩn trương và chủ động giải quyết dứt điểm, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm giải quyết, UBND thành phố sẽ xem xét lại năng lực nếu chủ đầu tư đề xuất dự án đầu tư khác. Cơ quan này cũng yêu cầu, các chủ đầu tư cần khẩn trương sửa chữa tòa nhà, căn hộ, khu sinh hoạt công cộng, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, phòng cháy chữa cháy, thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần bố trí phòng cộng đồng cho cư dân làm nơi sinh hoạt, hội họp. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo quy định.

Từ đầu năm 2017, tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội, từ nhà giá rẻ đến cao cấp. Các vấn đề tranh chấp cũng không chỉ xoay quanh nội dung thông thường như bàn giao không đúng tiến độ, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, làm sổ đỏ… mà còn nảy sinh những vấn đề như lựa chọn đơn vị quản lý, bầu ban quản trị.

Đặc biệt, sau vụ cháy chung cư Carina tại TPHCM,  liên tiếp trong hai ngày qua, cư dân tòa cao cấp Hei Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) căng băngrôn phản đối chủ đầu tư, trong đó nhiều nội dung liên quan tình trạng an toàn PCCC của tòa nhà. Theo cư dân sinh sống tại đây, tầng mái vốn là khu vực cộng đồng nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân mà cho đơn vị khác kinh doanh nhà hàng. Cư dân cho rằng điều đó ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ. 

Tương tự, ngày 31.3, cư dân toà nhà Sông Đà (Hà Đông) đã xuống đường biểu tình trước những bất cập của hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Tại dự án Golden West (Nhân Chính, Thanh Xuân) ngày 27.3, cư dân tập trung phản ánh tình trạng nhiều hạng mục phòng cháy chữa cháy còn dở dang, trong khi 400 hộ dân đã chuyển vào ở. Một số bộ phận phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện: họng cứu hỏa không có nước, máy bơm không hoạt động...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn