MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng năng suất được xác định là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tránh dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình: Phải chọn ngay giải pháp

ĐỨC THÀNH LDO | 02/02/2018 11:00
Làm thế nào để Việt Nam không dẫm chân phải bẫy thu nhập trung bình? Đó là một trong những vấn đề mà Chính phủ đặt ra đối với các bộ, ngành trong năm 2018.

Vấn đề không mới, nhưng luôn nóng bởi các nguy cơ vẫn hiển hiện và giải pháp thì không phải “một sớm một chiều” đã có thể đo được tính hiệu quả. Bẫy thu nhập trung bình là gì và kịch bản đáng sợ là gì nếu chúng ta “sa chân” vào đó? 

Việt Nam cách “bẫy” thu nhập trung bình bao xa?

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, bẫy thu nhập trung bình, được hiểu là sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia đứng mãi trong một khoảng thời gian dài mà không thể vươn lên cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người cơ bản là 4.000-6.000USD/năm.

Hay theo cách định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì đó chính là hiện tượng các nền kinh tế sau thời gian tăng trưởng nhanh bắt đầu chững lại và mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình và không tiệm cận được mức của nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao. Tóm lại, có thể hiểu bẫy thu nhập trung bình chính là sự chững lại của một nền kinh tế và không thể tiếp tục tiến bộ hơn trong thời gian dài.

Với sự phát triển kinh tế như Việt Nam hiện nay, chúng ta đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình hay chưa và nguy cơ thật sự ra sao? Thực chất, theo đánh giá của GS Kenichi Ohno - Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 thì chúng ta đang đối mặt với các dấu hiện rất rõ ràng về khả năng sa vào hố sâu này.

GS Kenichi chỉ ra 5 dấu hiệu cụ thể: Tăng trưởng chậm lại; năng suất sản xuất thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa hiệu quả; năng lực cạnh tranh không tăng; xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

GS Kinichi nhận định “sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải là do chất lượng (năng suất). Vì thế có thể hiểu, chúng ta có tăng trưởng chỉ đơn thuần ở mặt lượng; còn về chất, do sự thiếu hụt nên hiện đang đối mặt với các nguy cơ hiển hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam như chuyên gia Phan Minh Ngọc, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đánh giá đó là chưa đầy đủ và không căn cứ trên những chuẩn mực so sánh, bởi nếu căn cứ trên tốc độ tăng trưởng GDP và chính sách chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng để tái cấu trúc thì Việt Nam chưa có dấu hiệu bị rơi vào “hố đen” thu nhập trung bình.

Giải pháp tiên quyết: Tăng năng suất

Mặc dù các chuyên gia còn đang có quan điểm chưa đồng nhất, song không thể thừa nhận một thực tế là các dấu hiệu đã có và nếu chúng ta không cảnh giác để có chính sách phù hợp, khả năng “sa chân” hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, việc của chúng ta lúc này là tránh “bẫy” chứ không phải “thoát khỏi bẫy”, nên cần tìm các giải pháp cho việc này.

Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất được quan điểm là Việt Nam cần phải cải thiện năng suất lao động vì năng suất thấp phản ánh mức độ thâm dụng vốn, tác động nhanh chóng và sâu sắc tới việc tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá thách thức về năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các thách thức khác trong tăng trưởng kinh tế như: Môi trường, giảm nghèo và phúc lợi xã hội.

Ngay từ năm 2016, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione - nhận định: “Xu thế giảm mức tăng năng suất lao động (của Việt Nam - PV) vẫn tồn tại và gây quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống”.

Đặc biệt, trong khi xu thế năng suất của Việt Nam sụt giảm, các quốc gia lân cận khi có cùng trình độ phát triển như Việt Nam đều đạt năng suất ở mức từ 5%-7%. Còn hiện tại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì năng suất lao động Việt Nam (năm 2016) thấp hơn các quốc gia Đông Nam Á rất nhiều khi so sánh với Singapore chỉ bằng 7%, bằng 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động Việt Nam có năng suất chỉ xấp xỉ 50% của Indonesia và Philippines. Số liệu khả quan hơn là khi so với năng suất lao động của Lào, chúng ta đã bằng 87,4% năng suất lao động của họ.

Một trong những bước đi cụ thể hóa các giải pháp tăng trưởng kinh tế bền vững được Đảng và Chính phủ đưa ra, đó là tập trung tạo thêm cơ chế để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển cũng là một giải pháp đúng đắn và được các chuyên gia cả trong và ngoài nước đồng tình ủng hộ.

GS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Tokyo) - đưa số liệu, tại Việt Nam, khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn, chiếm 30,4% tỉ trọng cơ cấu thành phần kinh tế trong GPD Việt Nam. Trong khi đó, tính cả khối kinh tế tư nhân và tập thể mới có 12,1%, còn lại 28,8% là kinh tế nhà nước và 18,6% là của khối FDI.

Tuy nhiên, tính bền vững do khối FDI mang lại không cao do chúng ta không có được nền công nghiệp hỗ trợ cần thiết. Vì vậy, dù tỉ lệ đầu tư của chúng ta không thấp nhưng hiệu quả không cao. Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí cao và được ưu đãi về vốn, về đất đai nhưng lại không phát huy được nguồn lực và lợi thế, thậm chí còn thua lỗ kéo dài làm trì trệ thêm tốc độ phát triển. Sức mạnh của nền kinh tế lúc này phải chờ đợi vào khối kinh tế tư nhân, song doanh nghiệp tư nhân lại nhỏ bé, bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.

Vòng lẩn quẩn ấy sẽ tiếp tục khiến tốc độ tăng trưởng của chúng ta chậm lại, nếu tiếp tục để thực tế này kéo dài một vài thập kỷ chắc chắn sẽ đứng trong bẫy thu nhập trug bình chứ không còn là nguy cơ nữa. Bởi vậy, nhiệm vụ lúc này là cần phải gấp rút cải cách thể chế trong thị trường yếu tố sản xuất và khu vực doanh nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất.

Rào cản trên 3 lĩnh vực

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - đánh giá, để thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình, cần phải tích cực đổi mới đòi hỏi cả Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cùng nỗ lực cải thiện các vấn đề hiện tại để làm việc tốt hơn, từ đó năng suất lao động sẽ được nâng lên bằng cách loại bỏ tất cả các rào cản làm cản trở khả năng làm việc tốt hơn của con người. Đối với Việt Nam hiện nay, các rào cản có thể từ thể chế, từ năng lực nội tại của cá nhân, của quản lý và năng lực công nghệ.

Việt Nam đang mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình thấp

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, Việt Nam đang kẹt ở bẫy thu nhập trung bình thấp. Không chuyển được lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, công nghệ cao. Khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng hấp thụ 50% lao động ở khu vực nông nghiệp nguyên nhân vì năng suất thấp, không cạnh tranh lại với thế giới.

Tập trung cải cách thể chế

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để phát triển bền vững kinh tế cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài…; cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, DN, tổ chức, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối DN, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…; phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội, thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hoá, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế...; phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến đầu tư thông minh nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường. KHÁNH VŨ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn