MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh luận chuyện chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Cường Ngô LDO | 06/03/2023 15:58
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu xăng dầu mà gần đây lại nêu ra? Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên, quyền lợi người tiêu dùng thế nào?

Đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí xăng dầu

Tại tọa đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Tiếng nói người trong cuộc" diễn ra sáng 6.3, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết, năm 2022, Bộ Tài chính công bố giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam 3 lần và chi phí còn lại công bố 2 lần.

Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng. Số liệu này trên cơ sở của thương nhân đầu mối tính toán. Doanh nghiệp cũng có thể tính được chi phí này. Trên cơ sở thống kê chi phí, hoạt động cơ quan quản lý nhà nước công khai minh bạch trong quản lý xăng dầu.

Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Tiến, doanh nghiệp phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

"Thời gian tới khi sửa đổi nghị định, chúng tôi sẽ tham gia chặt chẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định, không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung. Chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ; rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh", ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính. Ảnh: Trọng Quân 

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, những quy định nhà nước mà hạn chế thị trường kinh doanh xăng dầu thì phải bỏ, phải thay đổi hệ thống cơ chế. Đây là cơ hội tốt để đẩy nền kinh tế lên nấc cao hơn.

"Tôi ủng hộ giá sẽ cho doanh nghiệp quyết định, trước mắt có thể giai đoạn quá độ nào đó. Muốn xử lý được chuyện xăng dầu, quan niệm về ổn định vĩ mô phải được thay đổi", ông Thiên nói.

Về điều hành, can thiệp giá, ông Trần Đình Thiên cho rằng, hoàn toàn Chính phủ có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế. Giảm thuế thì giảm giá, có thể can thiệp ngắn hạn. Còn khi có các "cú sốc lớn" thì có thể dùng quỹ dự trữ xăng dầu, bảo đảm nền kinh tế không bị sụp đổ. Đó là cách can thiệp giá và nguồn cung.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay - dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95.

Có một vấn đề mà chúng ta chưa đặt ra là việc có muốn xây dựng một thị trường xăng dầu hay không? Có thực sự muốn hay không? Hay như hiện tại là được rồi, sửa một ít thôi. Bởi hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường.

Vấn đề cần quan tâm nữa là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ), nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống.

"Tôi cho rằng chỉ nên có hai bộ phận: một là đầu mối, còn lại là phân phối. Nhìn nhận lại vai trò của từng bộ phận, chúng ta sẽ tư duy khác. Khi quy định về chiết khấu, vô hình chung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối", ông nói.

Tại sao không tính chiết khấu bình quân?

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, về vấn đề chiết khấu, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...

Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỉ lệ bao nhiêu là hợp lý, khoa học.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: Trọng Quân 

"Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên, quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế.

Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng", ông Đông nói.

Vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho hay, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn.

Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cung cấp đổi tên bán lẻ xăng dầu, cơ quan Nhà nước đôi lúc máy móc cho rằng vi phạm.

"Theo tôi, hướng xử lý, những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại.

Ông muốn tự lấy từ nhiều quyền thì chúng ta sẽ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu độc lập. Ông phải tự chịu trách nhiệm giá cả, biển hiệu và chất lượng", ông Đông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn