MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân cải tạo đất, chuẩn bị xuống giống vụ mùa mới. Ảnh: Mỹ Ly

Tranh thủ giá lúa còn cao, nông dân Miền Tây tất bật chuẩn bị cho vụ mới

MỸ LY LDO | 20/03/2024 15:38

Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 - 2024, nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL đang tất bật cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Để hạn chế rủi ro do thời tiết bất lợi, bà con nông dân đã chủ động các biện pháp phòng tránh để đảm bảo năng suất cho cả vụ.

Tranh thủ xuống giống khi giá lúa còn cao

Vụ đông xuân vừa rồi, bà Nguyễn Thị Xưa (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã thuê 18 công đất (1 công = 1.000 mét) sạ giống lúa Đài Thơm 8. Đến thời điểm thu hoạch, dù giá lúa có giảm song nông dân này vẫn bán được giá 8.000 đồng/kg. Giá cao cộng thêm thời tiết thuận lợi nên vụ vừa rồi, bà Xưa có lãi khá hơn mọi năm.

Theo đó, vừa thu hoạch không bao lâu, nhân lúc giá lúa còn cao, bà Xưa đã tranh thủ cải tạo đồng ruộng để kịp xuống giống đồng loạt vụ hè thu với các nông dân trong khu vực.

“Hiện tại, giá các loại lúa vẫn ở mức cao so với mọi năm, dao động từ 7.500 – 8.000 đồng/kg. Cho nên, thu hoạch xong, để ruộng nghỉ vài hôm là nông dân ở đây sẽ bắt tay vào chuẩn bị vụ hè thu ngay”, bà Xưa nói.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, dù giá lúa giảm nhưng nông dân vẫn có lãi nhờ trúng mùa. Ảnh: Mỹ Ly

Nông dân Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh An Giang) cho biết, vụ đông xuân nhờ chủ động gieo sạ sớm theo lịch của địa phương nên ông tránh được các rủi ro thời tiết và bán được giá ổn. Rút kinh nghiệm cho vụ hè thu, hiện ông Tuấn đang tất bật cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống.

“Vụ đông xuân rồi, nhà tôi trồng giống lúa OM 18 và bán được giá 7.800 đồng/kg, cao hơn mọi năm. Trừ chi phí phân thuốc, nhân công, tôi lãi khoảng 3 triệu đồng/công. Hiện giá các loại lúa đang ổn định ở mức trên 7.000 đồng/kg nên thu hoạch xong, để ruộng nghỉ khoảng 2 tuần là tôi chuẩn bị cải tạo đất để sạ lại ngay”, ông Tuấn chia sẻ.

Chủ động phòng tránh rủi ro thời tiết

Trước tình hình thời tiết và các điều kiện sản xuất bất lợi, nhất là việc nắng nóng đang diễn ra khá gay gắt có nguy cơ dẫn đến thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, nông dân đã chủ động các biện pháp phòng tránh để đảm bảo năng suất cho cả vụ.

Để tránh rủi ro thời tiết cũng như các loại dịch hại, sâu bệnh, bà Xưa đã cân nhắc lựa chọn giống lúa phù hợp cũng như chủ động liên kết với các hộ xung quanh bơm nước vào ruộng, phục vụ sản xuất.

“Hè thu mấy năm trước trồng OM5451 mà tỉ lệ chết cây nhiều, năng suất chỉ khoảng 500 – 600 kg/công nên rút kinh nghiệm, vụ này tôi xuống giống OM18. Bên cạnh chú ý các khuyến cáo của địa phương, sắp tới, nếu xuất hiện tình trạng thiếu nước, tôi dự định sẽ liên kết với các hộ xung quanh bơm nước vào ruộng để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất”, bà Xưa chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết, vụ này gieo sạ sớm khi giá lúa còn cao nhưng vẫn chú ý đến lịch khuyến cáo của địa phương để tránh thiệt hại do thời tiết gây ra: “Vụ trước nhờ xuống giống sớm theo lịch của địa phương nên tôi tránh được các rủi ro thời tiết nên vụ này, dù gieo sạ 12 công Nàng Thơm sớm hơn nhưng tôi cũng không để chênh lệch nhiều so với lịch khuyến cáo”.

Nông dân này nói thêm, hiện nguồn nước tại ruộng vẫn ổn định nhưng ông sẽ thường xuyên thăm đồng cũng như theo dõi thông tin của địa phương để khi có dấu hiệu sẽ chủ động bơm nước ngay: “Vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi, dẫn nước vào ruộng cũng dễ hơn. Còn vụ hè thu thì phải bơm nên chi phí sản xuất tăng. Vì vậy mà bà con thường kết hợp bơm nước đồng loạt với nhau để tiết kiệm được chi phí”.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 50404 ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động từ 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ở mốc 7.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.100 đồng/kg; Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000 - 8.150 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn