MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trao quyền chủ động để tăng hiệu quả thoái vốn

Lam Duy LDO | 01/12/2022 10:57

Với Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, sẽ duy trì 195 công ty TNHH một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ sắp xếp lại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Bộ Tài chính
Đáng chú ý sẽ thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp. 21 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 thực tế là một bước đi cụ thể tiếp theo sau khi Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” được Chính phủ phê duyệt hồi giữa tháng 3.2022.

Tuy nhiên các kết quả cổ phần hóa và thoái vốn đạt thấp trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy công tác này thực sự không hề dễ dàng và cần có những giải pháp cụ thể, trọng tâm để gia tăng hiệu quả sắp xếp trong giai đoạn mới.

Một minh chứng rõ rệt là hoạt động thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện giai đoạn 2017-2020 và đến hết năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới đạt 6.493 tỉ đồng, thu về 13.583 tỉ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tức mới đạt 30% kế hoạch.

Khi phân tích về kết quả cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chỉ ra nguyên nhân công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế; Đa số các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Đáng chú ý cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, còn một nguyên nhân khác là có tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỉ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. DNNN theo đó vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Chưa kể sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn rất chậm, đặc biệt là các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó để gia tăng hiệu quả sắp xếp trong giai đoạn mới, bên cạnh việc sớm triển khai các giải pháp cụ thể và trọng tâm, nhiều ý kiến cho rằng để tạo sự đột phá cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn