MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Triển khai cao tốc Bắc Nam vướng gì?

KH LDO | 26/04/2018 14:46
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, kẹt vốn… được nhận định là những thách thức phải vượt qua khi triển khai dự án cao tốc Bắc Nam.

Phát biểu tại hội thảo tổ chức cùng Ngân hàng Thế giới ngày 26.4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận việc triển khai dự án đường cao tốc Bắc Nam vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn.

Để tìm hướng gỡ khó cho đề án quan trọng này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý bàn bạc, đưa đề xuất các giải pháp cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đã triển khai thành công mô hình PPP.

Tại hội thảo, quyền Giám đốc WB - Achim Fock cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cung cấp thông tin về các dự án trong lĩnh vực này được thực hiện tại các nơi khác trên thế giới 

Theo đánh giá của Bộ GTVT, một trong những thách thức lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng là nguồn lực đầu tư hạn chế so với nhu cầu, nguồn lực đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 25%. Dù Việt Nam liên tục kêu gọi đầu tư những dự án giao thông theo hình thức BOT nhưng đến nay, hầu như mới chỉ có nhà đầu tư trong nước và bên cung cấp tín dụng cũng chủ yếu là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô không lớn. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, một vấn đề đặt ra là cần phải tạo mọi điều kiện để có thể huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế. 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua tháng 11.2017 và theo kế hoạch, năm 2018 phải chuẩn bị dự án, khởi công một số gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, tiến độ dự án đang bị chậm.

Trong giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long, trong đó 8 dự án thành phần sẽ hoàn tất báo cáo khả thi từ nay tới tháng 7.2018 để chuyển sang bước chào thầu, đấu thầu.

Trong 11 dự án, có 2 dự án vốn ngân sách và 8 dự án vốn xã hội hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án nêu trên khoảng 104.070 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn