MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ hội đầu tư tại nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Ảnh: Đức Mạnh.

Triển vọng đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng: Sự tích cực liệu có kéo dài?

LÂM ANH LDO | 17/02/2023 07:00

Là nhóm cổ phiếu chiếm hơn 1/3 tỉ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm khi nhìn về triển vọng đầu tư. Nhiều khuyến nghị cũng cho rằng, các nhịp điều chỉnh có thể là cơ hội tích lũy dài hạn với nhóm này khi trong giai đoạn đầu của thị trường hồi phục vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn có mặt và là điểm sáng đầy tích cực.

Ông Trương Thái Đạt - Giám đốc phân tích, CTCK DSC cho rằng,  trong giai đoạn nguồn vốn bơm vào nền kinh tế gặp khó khăn, chính sách tại Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, trong đó có tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước theo lộ trình khấu trừ từ 50% trong 2023 và tăng dần qua các năm (đến năm 2026) đem lại dư địa thanh khoản khi hạn mục tiền gửi kho bạc nhà nước được phép đẩy ra cho vay. Từ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt.

Thực tế, nhóm cổ phiếu "vua" ngân hàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi nhìn về triển vọng đầu tư trong ngắn và dài hạn. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu của thị trường hồi phục, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã luôn có mặt. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15%, bản chất vẫn là mức cao duy trì tương ứng các năm, tuy nhiên theo giới phân tích tăng trưởng tín dụng khi đi vào từng nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa.

Nhận định về sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này, ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán SmartInvest, đánh giá cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đa phần là nhóm quốc doanh vì họ có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ.

Phần đông nhóm cho vay bất động sản nhiều đang nằm ở khối tư nhân, nên tính mặt bằng tăng trưởng năm nay, tổng lợi nhuận toàn ngành có thể vẫn gia tăng nhưng sẽ bị phân hóa lớn, có thể nhóm tư nhân sẽ giảm tốc độ tăng trưởng.

Mức định giá P/B trung bình của nhóm ngân hàng hiện đang tương đồng so với 10 năm trước. Ảnh chụp màn hình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec cũng cho rằng, cơ hội đầu tư tại nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Chuyên gia này khuyến cáo nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có thanh khoản tốt, bộ đệm vốn cao và chất lượng tài sản lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn vốn huy động.

Nhà đầu tư có thể ưu tiên chiến lược tích lũy nhóm cổ phiếu ngân hàng tại nhịp điều chỉnh của thị trường khi mức định giá P/B trung bình của nhóm ngân hàng hiện đang tương đồng so với 10 năm trước, trong khi chất lượng tài sản đã tốt hơn đáng kể.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam nhận định lãi suất vẫn tiếp tục tăng và nguy cơ nợ xấu gia tăng buộc các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng. Đồng thời, các rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn là rủi ro tiềm ẩn khiến các ngân hàng cũng hạn chế cho vay ở lĩnh vực này.

Như vậy, biên lãi ròng (Net Interest Margin) của các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng giảm trong năm 2023 và các nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có tính an toàn cao dựa trên hai tiêu chí là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao và chất lượng tài sản tín dụng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn