MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Ảnh: Quochoi.vn

Triển vọng lạc quan cho kinh tế xanh và kinh tế số ASEAN

Hà Liên LDO | 16/08/2023 21:38

Ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN lạc quan về ASEAN, đặc biệt là triển vọng trong nền kinh tế xanh và kinh tế số.

Ông Ted Osius nêu ví dụ về "vòng tròn phát triển" (virtuous cycle) đang diễn ra ở Việt Nam. Trong đó, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam đang tập trung vào nguồn năng lượng xanh. Đáp lại, Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ phụ thuộc mạnh vào than đá sang cơ cấu năng lượng đa dạng.

Tháng 3 năm nay, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đến thăm Việt Nam, trong đó có Boeing, Meta và SpaceX. Các doanh nghiệp Mỹ khẳng định xem Việt Nam là thị trường chiến lược và ủng hộ các mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Chính phủ Việt Nam.

Trước khi làm việc tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, ông Osius đảm nhận các cương vị tại ASEAN hoặc liên quan tới ASEAN, trong đó có phó trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta từ 2009-2012 và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014-2017. Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN có 180 thành viên, với nguyên tắc đầu tiên là lòng tin việc mở rộng quan hệ giữa ASEAN và Mỹ là vì lợi ích chiến lược của tất cả các bên.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ đang gặp bất lợi vì Mỹ không tham gia các thoả thuận thương mại khu vực, ông Osius nêu trong chia sẻ với The Straits Times.

"Các doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi khi các quốc gia khác là thành viên của mạng lưới thương mại tự do mà Mỹ không tham gia. Đó là một mối quan ngại thực sự, một sự kiềm chế thực sự" - ông Osius nói.

Mỹ không phải thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo ông Osius, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã đưa Mỹ vào bàn đàm phán trong khu vực và các doanh nghiệp Mỹ ủng hộ IPEF.

Ông Osius chia sẻ: “Tôi nghĩ tham gia IPEF là điều tốt hơn so với không tham gia những cuộc thảo luận thương mại. Do đó, chúng tôi ủng hộ rộng rãi sáng kiến này và sẽ tiếp tục thúc đẩy để xem chính quyền có làm cho sáng kiến này trở nên tham vọng hơn hay không".

IPEF là sáng kiến do Mỹ khởi xướng tháng 5.2022, bao gồm 14 quốc gia, trong đó có 7 thành viên ASEAN. Khuôn khổ kinh tế do Mỹ đề xuất có 4 trụ cột được đàm phán riêng: Thương mại kỹ thuật số; Chuỗi cung ứng; Khí hậu và năng lượng sạch; và chống tham nhũng. Tuy nhiên, khác với hiệp định thương mại thông thường, IPEF không mang lại cho các quốc gia tham gia khả năng tăng tiếp cận thị trường Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai từng chia sẻ với báo giới rằng, IPEF chưa bao giờ là một thoả thuận thương mại truyền thống.

"Chúng tôi không chỉ cố gắng tối đa hóa và tự do hóa hiệu quả. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tính bền vững, khả năng phục hồi và tính bao trùm" - bà nói.

Ông Osius thừa nhận, Mỹ còn chưa hiểu rõ về ASEAN, đặc biệt là Indonesia. Sự hiểu biết chưa đầy đủ của Mỹ về ASEAN vẫn tiếp tục ngay cả khi tương lai kinh tế của ASEAN rất tươi sáng và vai trò trung tâm của ASEAN là điều rõ rệt. "Đây là một khu vực phức tạp và không có đủ người Mỹ dành thời gian để thực sự tìm hiểu về nó" - ông Osius nói.

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói thêm, ASEAN, với nền kinh tế số đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, một nền kinh tế xanh thịnh vượng - ví dụ xe điện - thực sự là "tâm điểm" của tăng trưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn