MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chứng khoán đang có định giá hấp dẫn. Ảnh: Đức Mạnh

Triển vọng và rủi ro tiềm ẩn tới thị trường chứng khoán năm 2024

Anh Kiệt LDO | 03/01/2024 09:27

Các yếu tố rủi ro chính tới thị trường chứng khoán năm nay đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ở mức cao kỷ lục, KRX chậm tiến độ, lạm phát cao hơn dự kiến...

Triển vọng vẫn chưa được phản ánh hết

"Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhất cũng không thể dự đoán chính xác diễn biến thị trường. Tuy nhiên, có thể xác định các yếu tố dẫn đến thị trường mạnh hay yếu" - ông Petri Deryng - nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund - chia sẻ về một năm 2023 đầy biến động của thị trường chứng khoán.

Hướng về năm 2024, ông Petri Deryng thể hiện sự lạc quan vào triển vọng thị trường khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, triển vọng lợi nhuận tích cực trong vài năm tới. Hiện thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất. Nếu lãi suất trong nước giảm, thanh khoản thị trường sẽ dồi dào và lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng mạnh, từ đó làm lợi nhuận thị trường tăng.

"Chứng khoán đang có định giá hấp dẫn. P/E của thị trường Việt Nam hiện đạt 11,6 lần. Theo dự báo, con số này có thể rơi về mức thấp là 9 lần trong 2024 nhờ kết quả kinh doanh cải thiện. Hiện P/S (chỉ số giá trên doanh thu) của VN-Index đạt 1,2 lần. Tôi kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu sẽ đạt trên 20% trong 2024, đẩy chỉ số P/S về dưới 1, trừ trường hợp thị trường giảm điểm" - ông Petri Deryng dự báo.

KRX chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường

Tuy nhiên đằng sau những triển vọng trên, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng rủi ro đáng chú ý nhất của năm 2024 sẽ đến từ các sự kiện xung đột địa chính trị, hay việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp với các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ và Trung Quốc rơi vào suy thoái.

Phía trong nước, các yếu tố rủi ro chính đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ở mức cao kỷ lục. Xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB, hay triển vọng thị trường bất động sản tiêu cực hơn kỳ vọng" - KBSV đánh giá.

Bổ sung thêm, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhấn mạnh về ảnh hưởng của hệ thống KRX bị trì hoãn. Bởi việc triển khai KRX đóng vai trò tiên quyết để đáp ứng yêu cầu hạ tầng trong quá trình nâng hạng của cả FTSE và MSCI.

"Với sự kỳ vọng này, trường hợp KRX dời lịch triển khai (so với dự định vào ngày 25.12.2023) thì khả năng cao tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân (dòng tiền chính của thị trường) sẽ chuyển sang hoài nghi và hụt hẫng, từ đó gây ra tình trạng bán ròng mạnh. Ngoài ra, việc chậm triển khai KRX sẽ có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nâng hạng sau này" - TPS cho hay.

Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận thấy việc thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Đồng thời lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 - 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn