MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trở lại vùng cam sành lớn nhất Vĩnh Long sau 1 tháng kêu gọi “giải cứu”

Hoàng Lộc LDO | 13/03/2023 08:10

Sau 1 tháng kêu gọi “giải cứu” 80 nghìn tấn cam sành, những ngày này, hàng trăm tấn cam sành được nông dân huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) xuất bán mỗi ngày. Dù giá vẫn còn ở mức thấp, nhưng nhà vườn đành chấp nhận vì không muốn phải có thêm một lần “giải cứu”.

Không muốn có thêm một lần “giải cứu”

Ngày 12.3, phóng viên Báo Lao Động trở lại Trà Ôn, nơi có diện tích trồng cam sành lớn nhất tỉnh Vĩnh Long để ghi nhận sau 1 tháng kêu gọi “giải cứu” 80 nghìn tấn cam sành vào đầu tháng 2 vừa qua. 

Cam sành tại Trà Ôn đang được thu mua với giá từ 5 - 9 nghìn đồng/kg. Ảnh: Hoàng Lộc  

Có hơn 10ha trồng cam sành, chị Thảo - nông dân xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn - cho biết: Vụ này, vườn cam nhà chị cho trái khoảng 70 tấn. Bán xô ngang với giá 5 nghìn đồng/kg cũng mừng, chứ đợt vừa rồi kêu bán với giá 2-3 nghìn đồng/kg không ai mua. Mà để neo trái lâu thì sợ chết cây.

“Bây giờ tuy giá cam sành không được như thời hoàng kim 19 - 20 nghìn đồng/kg, nhưng có người mua nên đa số anh, em nông dân trồng cam sành trong xã tranh thủ bán, nhận cọc trước chứ sợ đến lúc cam chín không ai hỏi mua” - chị Thảo cho biết thêm.

Nhiều nhà vườn đã tranh thủ bán cam sành, không để neo trái như trước Tết Nguyên Đán vừa rồi. Ảnh: Hoàng Lộc 

Cũng có gần 2ha trồng cam đang được thương lái bỏ cọc mua với giá 7 nghìn đồng/kg, anh Bảy Bình (xã Thới Hòa) cho hay: “Những năm trước, tháng nắng như này cam sành được bán với giá từ 11 đến 13 nghìn đồng/kg. Nhưng năm nay giá chỉ được 4-5 nghìn/kg bán xô ngang, còn lựa cam đẹp thì 7 - 9 nghìn/kg. Dù giá thấp nhưng nhà vườn cũng quyết định bán, chứ để neo như đợt tết là thêm lần “giải cứu” nữa”.

Theo nhà vườn, hiện nay cam sành chủ yếu chỉ được sử dụng ăn tươi, làm nước uống hoặc chế biến kèm theo 1 số loại bánh mứt chứ loại trái này chưa được xuất khẩu.

Từ thực tế đó và chuyện 80.000 tấn cam sành phải kêu gọi “giải cứu” hồi tháng trước đã làm nhiều nông dân cảm thấy lo lắng cho những đợt cam tiếp theo của mình.

Mừng nhưng vẫn lo

“Giá cam sành đang được thu mua không cao nhưng có bao nhiêu là thương lái mua hết bấy nhiêu nên nhà vườn cũng mừng vì không phải bán đổ bán tháo như đợt cam sành tháng trước. Lúc đó, không có thương lái mua, gia đình tự hái cam sành đi bán, ra chợ không ai mua, nên tôi và ông xã hái cam mang vào bệnh viện tặng” - bà Sáu Nhuận có gần 1ha cam sành kể lại.

Theo bà Sáu Nhuận, giờ bán được giá nào cũng bán, chứ neo nữa sẽ làm suy cây và ảnh hưởng luôn cả vụ sau. Hiện nay, gia đình bà đang làm bông cho vụ cam năm sau.

“Làm thì làm chứ cũng lo, không biết có tăng giá không nữa. Hy vọng cho giá cam được chừng 10 nghìn đồng/kg là nông dân cũng mừng, chứ rẻ như vậy riết là không ai trồng cam” - bà Sáu Nhuận lo lắng.

 Nông dân mừng vì cam được thương lái thu mua nhiều. Ảnh: Hoàng Lộc

Có 5 mảnh vườn trồng cam luôn cho trái quanh năm, chị Thảo thông tin thêm: “Tôi bắt đầu trồng cam hơn 10 năm trước, chưa bao giờ cam sành bán với giá rẻ thế này. Những năm trước, trồng cam sành bán có lời, còn năm nay thì lỗ nặng”.

Theo ông Bảy Đan, thương lái thu mua cam sành ở xã Thới Hòa, giá cam sành từ Tết đến giờ vẫn không ổn định, lên xuống thất thường và vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, sau đợt kêu gọi “giải cứu”, suy nghĩ của người dân đã thay đổi, không còn neo trái chờ giá tăng mà đến ngày cam chín là cắt bán.

“Hiện nay, mỗi ngày tôi thu mua từ 25 - 30 tấn cam sành của nông dân ở các xã trong huyện Trà Ôn. Còn gần 100 thương lái khác thì mỗi người cũng tiêu thụ được khoảng 5 - 10 tấn cam/ ngày. Tính sơ bộ, mỗi ngày toàn huyện Trà Ôn cũng bán được vài trăm tấn cam sành” - ông Bảy Đan thông tin thêm.

Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so với năm 2020. Trong đó, chỉ riêng huyện Trà Ôn, tổng diện tích trồng cam sành đã lên đến gần 10.000ha, kế đó là các huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), Vũng Liêm (hơn 2.800ha).

Theo ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, diện tích cam sành của huyện tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022 do người dân tự phát chuyển đổi trồng trên đất lúa. Các xã có diện tích trồng cam nhiều của huyện, gồm: Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hòa, Trà Côn, Hòa Bình, Nhơn Bình...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn