MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhập than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: K.Q

Tro xỉ nhiệt điện than: Miền Bắc ổn, miền Nam tắc!

KỲ QUAN LDO | 04/10/2017 06:50
Tro xỉ của các NMNĐ than hoàn toàn có thể sử dụng cho san lấp mặt bằng cũng như làm vật liệu xây dựng (VLXD). Khó khăn ở chỗ, từ bãi trữ tro xỉ ra tới các công trình xây dựng chưa có “cơ sở pháp lý”!

Ngày 3.10, tại TP.Cần Thơ, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương đã đồng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học. Trong cơn “sốt” khan hiếm cát cho san lấp mặt bằng hiện nay, thì các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Duyện Hải 1, Duyên Hải 3 phải “ôm” hàng triệu tấn tro xỉ, diện tích bãi trữ tro xỉ cũng không còn nhiều. 

Miền Bắc ổn, miền Nam tắc!

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đến năm 2020, ĐBSCL sẽ có thêm các NMNĐ Long Phú 1, 2; Sông Hậu 1, 2; Duyên Hải III mở rộng, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW, mỗi năm thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Từ năm 2020 đến 2030, ĐBSCL sẽ có thêm 9 NMNĐ, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Trong khi tro xỉ của các NMNĐ các tỉnh phía Bắc được tận dụng hầu hết, thì ở miền Nam, tro xỉ các NMNĐ đang nằm chất đống, nguy cơ không còn chỗ chứa.

Theo các chuyên gia, từ thập niên 1960, ở miền Bắc đã có NMNĐ, từ lâu đã hình thành tập quán tận dụng tro xỉ làm gạch không nung, phụ gia ximăng, dùng trong công nghệ đầm lăn xây dựng các đập thủy điện… Còn ở phía Nam, NMNĐ mới xuất hiện gần đây, trong khi tro xỉ thải ra bị xem là chất thải công nghiệp có nguy cơ gây hại, nên ít người dám sử dụng.

Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, trong khi cát san lấp đang thiếu trầm trọng thì hơn 1,6 triệu tấn tro xỉ của các NMNĐ nằm ứ. Địa phương không dám dùng nó thay cát san lấp mặt bằng, vì chưa có cơ sở pháp lý, nếu lỡ xảy ra điều gì, sẽ hết sức phiền phức. Địa phương Trà Vinh cũng đã thử sản xuất gạch không nung từ tro xỉ các NMNĐ, nhưng chưa ai dám sử dụng vì lý do tương tự.

Không phải “chất thải nguy hại”

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cho biết thêm vấn đề tro xỉ, thạch cao của các NMNĐ đang là thách thức do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và cần phải khẳng định rõ ràng là tro xỉ từ các nhà máy NMNĐ không phải là chất thải nguy hại.

Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, kết quả phân tích thành phần tro xỉ của 21 NMNĐ cho thấy, đây là chất thải rắn thông thường, không phải là chất thải nguy hại. Trong khi đó, theo người có trách nhiệm của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), cơ quan này chưa bao giờ xem tro xỉ các nhà NMNĐ là “chất thải nguy hại” và rất ủng hộ việc tái sử dụng tro xỉ các NMNĐ.

Vậy là đã rõ, tro xỉ các NMNĐ không phải là “chất thải nguy hại”, hoàn toàn có thể sử dụng tốt làm VLXD, san lấp mặt bằng. Vấn đề là thiếu cơ sở pháp lý, các quy chuẩn, nên ở ĐBSCL ít người dám sử dụng, gây khó khăn, ách tắc.

Ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, trước thực trạng phát thải một lượng lớn tro xỉ, thạch cao của các NMNĐ, luyện kim, phân bón hóa chất, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro xỉ, thạch cao từ các NMNĐ, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro xỉ sản xuất VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung.

Việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng một lượng lớn tro xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, các địa phương nơi có NMNĐ.

Hy vọng, chuyện tro xỉ các NMNĐ ở ĐBSCL đã có lối thoát!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn