MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trồng cây chắn gió, lão nông vô tình thu lợi vài chục triệu đồng mỗi năm

Minh Ánh LDO | 10/10/2021 12:41
Vốn chỉ biết đến là thứ quả dại, là cây giữ đê bao, chắn gió, nhưng dần dần cây cà na đã trở thành một thức ăn vặt quen thuộc với giới trẻ miền Tây. Cà na đã giúp nhiều hộ gia đình ở miền Tây có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Miền Tây bước sang tháng 10 - mùa nước nổi, cũng là lúc các lão nông tri điền ở Cần Thơ bước vào vụ thu hoạch trái cà na - một loại trái cây bình dị, tự nhiên ban tặng và được người dân miền Tây dùng làm nhiều món ăn vặt.

Trước đây cây cà na này mọc dại theo dọc đê, con mương, bờ rạch. Nhưng giờ đây thứ quà quê này được các bạn trẻ ưa chuộng, mê ăn vặt, mang lại một nguồn thu nhập cho nông dân.

Ông Phạm Hiền Phúc, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ trồng 200 gốc cà na đã được 4 năm. Ban đầu, ông Phúc trồng cây cà na với mục đích phủ phía ngoài vườn sầu riêng và mít Thái để chắn gió. Nhưng lâu dần, cà na trở thành thức ăn vặt phổ biến nên ông Phúc dần kiếm được lời.

"Hồi đó tôi trồng chỉ để giữ đê, chắn gió thôi, chứ không nghĩ gì hết. Mấy năm trở lại đây có thu nhập, mình cũng mừng", ông Phúc vui vẻ cho biết.

Ông Phạm Hiền Phúc thu hoạch trái cà na. Ảnh: Minh Ánh 

Trung bình mỗi năm, ông Phúc thu hoạch được 6 tấn cà na. Mọi năm với giá ổn định, dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, ông Phúc có thể kiếm được khoảng 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu vụ đến giờ, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên ông Phúc cũng "chẳng bán được là bao". Từ đầu vụ đến nay, ông ước tính bán được 1 tấn cà na, với giá giảm 50%, nhiều trái cà na chín rụng đầy vườn.

"Năm nay, số cây, năng suất cũng như những năm trước nhưng giá chỉ còn có 5.000 đồng/kg mà chỉ bán được chưa tới một nửa”, ông Phúc nói.

Trái cà na được coi là món ăn vặt phổ biến tại miền Tây. Ảnh: Minh Ánh 

Theo ông Nguyễn Chí Thức, Phó trưởng trạm Khuyến nông quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nông dân trên địa bàn quận Ô Môn thường chọn cây cây na trồng trên đê bao của họ. Thứ nhất để giữ đê bao. Thứ hai che chắn gió cho vườn cây ăn trái.

"Đến mùa nước nổi, người dân tận dụng những cây cà na sẵn có để thu hoạch, kiếm thêm thu nhập phụ trang trải kinh tế gia đình. Năm nay tiêu thụ cà na giảm, giá cũng thấp hơn năm trước nên nông dân kém vui hơn", ông Thức nói.

Theo ông Thức, cây cà na rất dễ trồng, bà con cũng không phải phân thuốc hay tốn công chăm sóc nhiều.

Mỗi vụ, gia đình ông Phúc có thể thu hoạch được 6 tấn cà na, làm lợi 60 triệu đồng mà không phải mất chi phí phân thuốc, công chăm sóc. 

Vào tháng 9 - 10 các năm trước, khi chưa có dịch COVID-19, du khách về các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang hay Sóc Trăng thấy cà na được bày bán khắp nơi, từ các khu chợ đến các xe hàng rong ven đường.

Cà na theo y học cổ truyền là vị thuốc bổ máu, hỗ trợ lọc máu, chữa đau răng, dị ứng sơn, giải rượu, chữa cổ họng sưng đau, có nhiều đờm. Ảnh: Minh Ánh 

Cây cà na thuộc họ trám trắng, thân gỗ cao 10 - 25m, chi chít nhánh, ra hoa trắng vào khoảng tháng 3 - 4. Cây phát triển tốt và hướng về phía mặt sông, trái ở phía này cũng nhiều hơn so với trong bờ. Trái cà na có hình thuôn tròn, dài cỡ 3 - 4cm, khi già trái chuyển màu xanh đậm, vị chát, khi chín trái màu vàng nhạt, vị chua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn