MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có thu nhập ổn định từ trồng dưa hấu thay lúa Đông Xuân muộn. Ảnh: Phương Anh

Trồng màu thay lúa, nông dân Sóc Trăng sống khỏe mùa hạn mặn

PHƯƠNG ANH LDO | 29/02/2024 15:18

Thay vì trồng lúa Đông Xuân muộn có nguy cơ thiệt hại do hạn mặn, nhiều bà con ở tỉnh Sóc Trăng đã quyết định đưa cây màu xuống ruộng lúa ngay giữa mùa khô. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định, thích ứng với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt như hiện nay.

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, những ngày cuối tháng 2, ngay giữa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập thuộc huyện Long Phú (Sóc Trăng), bên cạnh những cánh đồng đất khô nứt nẻ vì thiếu nước thì vẫn có nhiều ruộng rau xanh tươi, đang ra hoa kết trái.

Anh Nguyễn Tiền Khanh ở xã Tân Thạnh chia sẻ vùng này chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm. Vào mùa khô, mặn xâm nhập, thường xuyên thiếu nước ngọt nên phần lớn bà con hạn chế sản xuất lúa Đông xuân muộn (vụ 3). Thay vì để đất trống, anh và các thành viên trong gia đình quyết định trồng màu dưới ruộng lúa với diện tích 1ha.

Anh Khanh cho hay gia đình đã dành gần 3.000m2 đất để đào ao, chứa nước ngọt, đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tiết kiệm đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu. Sau nhiều năm chuyển đổi, mô hình giúp gia đình có thu nhập ổn định ngay giữa mùa hạn, mặn.

Tương tự, ông Danh Giàu ở phường 7, thành phố Sóc Trăng cũng vừa thu hoạch 8.000m2 dưa hấu trồng dưới ruộng lúa. Ông Giàu chia sẻ trồng lúa vụ 3 thời điểm này rủi ro rất cao, nhưng trồng dưa hấu thì ăn chắc. Bởi dưa là loại cây màu ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn. Còn so sánh kinh tế thì dưa thu về lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Vụ này năng suất đạt 3 tấn/1.000m2, thương lái mua tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg, sau khi đã trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 10 triệu đồng/1.000m2. Tính ra lời gấp 2, 3 lần trồng lúa”, ông Giàu tính.

Dưa hấu đang phát triển rất tốt trong mùa khô 2024. Ảnh: Phương Anh

Đang chăm sóc 6.000m2 dưa hấu trồng dưới ruộng đã hơn 1 tháng tuổi, ông Thạch Giàu ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, cứ bước vào mùa khô là ông lại chọn vài m2 đất để trồng dưa hấu. Năm ngoái, nhờ dưa hấu trúng mùa, được giá, ông có lợi nhuận gần 50 triệu đồng/1.000m2 sau 2 tháng trồng và chăm sóc.

Theo ông Giàu, trong những tháng mùa khô, bà con thường chọn dưa hấu trồng thay lúa vì vốn đầu tư ít, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm nào giá thấp thì người trồng cũng có thể hòa vốn, còn làm lúa vụ 3, khi hạn mặn là coi như mất trắng.

Người dân đào rãnh trực tiếp tại ruộng để lấy nước ngọt tưới rau màu. Ảnh: Phương Anh

Ông Giàu chia sẻ thêm, để trồng dưa mùa khô chỉ cần đào rãnh trực tiếp trên ruộng lúa rồi lấy nước vào tưới. Cây cũng không cần nhiều nước, mỗi ngày tưới 2 lần là đủ. Trong khi trồng lúa thì nguồn nước phải đảm bảo.

Ông Lê Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết trồng dưa hấu dưới ruộng lúa tại địa phương đã thực hiện được nhiều năm và khẳng định được hiệu quả kinh tế, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập. Năm nay, bà con tiếp tục gieo trồng trên diện tích 22ha.

"Chúng tôi thường xuyên vận động bà con vừa thực hiện 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay", ông Quang chia sẻ.

Năm 2016, hạn xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm ảnh hưởng khoảng 31 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có gần 24 nghìn ha lúa, hơn 6 nghìn ha mía bị giảm năng suất từ 30% đến mất trắng.

Rút kinh nghiệm từ lần mặn “tấn công” năm đó, nhiều bà con nơi đây đã chủ động xây dựng mô hình canh tác “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu như trồng dưa hấu, đậu bắp, bầu, bí dưới ruộng thay lúa vụ 3 đã giúp họ sống khỏe qua mùa hạn mặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn