MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải. Ảnh: Phan Anh

Trụ hạng sau khi lên thị trường mới nổi không chỉ dựa vào cơ quan quản lý

Đức Mạnh - Đặng Chung LDO | 02/07/2024 21:01

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải, nếu không trụ được vị trí sau nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn có thể "chảy" ra. Đây là mối quan tâm của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.

Duy trì thứ hạng phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư

Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hôm nay (2.7), ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - đã có những chia sẻ về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán và giải pháp phát triển thị trường trong ngắn, trung và dài hạn.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Hoàng Hải, làm thế nào để trụ được hạng sau khi nâng hạng là một vấn đề thách thức. Nếu không trụ được hạng, dòng vốn có thể "chảy" ngược ra. Đây là mối quan tâm của các cơ quan quản lí và doanh nghiệp. Do đó để trụ được hạng, cần tiếp tục thay đổi pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Câu chuyên nâng hạng, duy trì thứ hạng phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư đối với trải nghiệm của họ trên thị trường chứ không phải trải nghiệm với cơ chế pháp luật. Do vậy, dù cơ quan quản lí đưa ra cơ chế pháp luật, câu chuyện duy trì hạng vẫn còn phụ thuộc vào doanh nghiệp trên thị trường.

Toàn cảnh Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”. Ảnh: Phan Anh

Ông Bùi Hoàng Hải dẫn ví dụ việc cơ quan quản lí cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhưng các doanh nghiệp không công bố thông tin, đưa ra quy định hạn chế. Như vậy, chính doanh nghiệp làm cho nhà đầu tư nước ngoài không thể nhập cuộc, từ đó đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kém. Việc công bố thông tin, quản trị thông tin cũng đưa ra các yêu cầu nhưng các doanh nghiệp có thể không thực thi.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding), pháp luật và cơ quan quản lí cho phép công ty chứng khoán không yêu cầu prefunding nhưng năng lực công ty chứng khoán không đáp ứng được. Điều này khiến trải nghiệm nhà đầu tư không tốt trên thị trường, đánh giá tiêu cực hoặc có thể đánh giá lại thị trường.

"Câu chuyện quan trọng khác là việc nâng hạng phụ thuộc vào nhu cầu, trải nghiệm của nhà đầu tư, sau đó liên tục đòi hỏi yêu cầu mới sau trải nghiệm đó. Để tiếp tục duy trì thứ hạng, cơ quan quản lí cần tiếp tục trao đổi chặt chẽ với tổ chức xếp hạng. Từ đó đảm bảo, dự báo trước được những tiêu chí sẽ có thể thay đổi hoặc có những yêu cầu cao hơn. Từ đó, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp thuộc tổ chức niêm yết, ngân hàng lưu ký sẽ phải chuẩn bị những điều cần thiết, tiếp tục đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao" - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói.

Nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên

Cũng nêu quan điểm tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI - nhấn mạnh, trong chiến lược tổng thể về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023. Với khoảng thời gian còn lại không còn quá dài, trước mắt, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary EM) từ FTSE Russell.

Hiện có khoảng 90 tỉ USD từ các quỹ thụ động (ETF) đầu tư vào họ chỉ số FTSE EM như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (tổng tài sản) 76 tỉ USD. Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ chúng tôi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỉ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI.

Ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế (Việt Nam hiện chiếm tỉ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên).

Quay trở lại về thực trạng, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi vào năm 2018, với các đánh giá cụ thể và chi tiết về điều kiện mà Việt Nam cần phải thực hiện để có thể được nâng hạng. Các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Ngược lại, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính, với vướng mắc lớn nhất để FTSE Russell ra quyết định nâng hạng liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).

Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký.

Do vậy, trước mắt, Bộ Tài chính và UBCKNN đã đưa ra giải pháp trong đó các công ty chứng khoán sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution - NPS). Ngày 20.3.2024, Bộ Tài chính đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (gồm: Thông tư 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC) để hiện thực hóa giải pháp này.

Xét theo khía cạnh từ CTCK thành viên, cả giải pháp ngắn hạn hay dài hạn đều tạo áp lực về vốn hay việc phải nâng cấp hệ thống khi trách nhiệm và rủi ro từ phía CTCK là rất lớn.

Ông Nguyễn Khắc Hải liệt kê ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các CTCK trên thị trường.

Thứ nhất, các CTCK cần bổ sung nguồn lực về vốn. Trong mô hình CCP hay dịch vụ NPS, trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về CTCK, do đó, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng đa số các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho “cuộc chơi lớn” này.

Thứ hai, hệ thống quản trị rủi ro của các CTCK phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm day trading hay short sell được vận hành.

Thứ ba, phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài. Một điểm trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới. Các CTCK hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo Nghiên cứu phân tích bằng tiếng Anh và dịch vụ corporate access. Tại SSI, chúng tôi cũng đang thường xuyên cung cấp các sản phẩm dịch vụ này tới các quỹ đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, đại diện World Bank ước tính, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỉ USD trong ngắn hạn. Quy mô thị trường tăng cao cùng với việc phát triển các sản phẩm cho phép nhà đầu tư tăng vòng quay vốn như short sell, day trading dẫn đến số lượng lệnh giao dịch tăng đòi hỏi năng lực nhận, xử lý lệnh giao dịch của nhà đầu tư nói chung đối với CTCK trở nên cấp thiết.

Bạn đọc theo dõi toàn cảnh video Hội thảo "Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam" TẠI ĐÂY

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn