MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung du miền núi phía Bắc: Tốc độ tăng GDP bình quân tăng 10% mỗi năm

Ngọc Anh LDO | 16/12/2019 18:11
“Dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế xã hội trong 15 năm qua nhưng cơ cấu kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương chứ chưa mang dấu ấn vùng”.

Đó là nội dung ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại hội thảo phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi bắc bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 tại Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác,  tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế song chưa được khai thác hết. Trong 15 năm qua ngành công nghiệp của vùng chuyển dịch chậm, tỉ trọng công nghiệp chế tạo còn ở mức thấp, đầu tư cho phát triển hạ tầng công nghiệp và hạ tầng thương mại hạn chế. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tái cơ cấu chậm, các ngành sử dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển chậm. Lợi thế kinh tế biên mậu, cửa khẩu chưa được phát huy, thu từ xuất nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách. Phát triển du lịch vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng ghi nhận nhiều kết quả các tỉnh trong vùng đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa IX. Cụ thể, kinh tế xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tốc độ tăng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2004 - 2018 tăng 10%, thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 43,6,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2018, gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, đến năm 2018 cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực, ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỉ lệ 40,43%, dịch vụ 35,8%, nông lâm nghiệp, thủy sản 18,6%.

Bàn về giải pháp phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Ban Kinh tế Trung ương nhận định xu hướng phát triển xanh, bền vững và liên kết các vùng ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là cơ hội cho vùng học hỏi, bắt kịp xu hướng phát triển chung. Đảng cũng xác định vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là lá phổi xanh, là phên dậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh quốc phòng cả nước, là cội nguồn của dân tộc, cái nôi của Cách mạng VN. Nhiều lợi thế phát triển nhanh, bền vững, nằm trên hành lang kinh tế Bắc Nam.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch VN đề xuất lưu ý các giải pháp: “Nhà nước nên hỗ trợ những chính sách phát triển liên vùng chứ không hỗ trợ riêng lẻ từng địa phương. Sớm thực hiện quy hoạch tổng thể vùng đến năm 2030, gắn với 2 hành lang kinh tế Việt Trung. Về quy hoạch phải làm rõ việc lấy du lịch làm cơ sở để bảo tồn văn hóa”.

Kết luận hội thảo ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế TW, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 - nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng để phát triển vùng đó là đầu tư và cơ chế chính sách cũng cần có tầm nhìn, sự ưu tiên đối với có tính liên kết lan tỏa nhằm thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với vấn đề tôn giáo và dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn