MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Nguyên "thất bát" thế nào khi vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lục đục?

Đ.P (tổng hợp) LDO | 19/06/2018 19:00

Từ cuối năm 2015, cuộc chiến trong gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu mâu thuẫn cao trào. Nhiều người băn khoăn về hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên sẽ đi về đâu. Dù vậy, trong 3 năm xảy ra tranh chấp, doanh thu của tập đoàn này vẫn đều đặn thu về hơn 3.800 tỉ đồng.

Sau 5 năm vắng bóng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện trong buổi lễ ra mắt thương hiệu mới của Trung Nguyên vào hôm 17.6.  

Ông Vũ bất ngờ xuất hiện sau 5 năm vắng bóng. Ảnh: Tô Thanh Tân

Sự tái xuất của ông Vũ được chú ý hơn bởi sau những lần kiện tụng giữa ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên quan đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Nói về sự nhập nhằng trong tranh chấp tài sản giữa họ, nhiều người cho rằng, chính sự việc này càng phủ bóng hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên.

Báo điện tử VNExpress cho biết, giai đoạn 2014-2016, thời kỳ bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị tước đi quyền điều hành tại Trung Nguyên, hoạt động của tập đoàn này vẫn duy trì ổn định với hơn 3.800 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Đứng đầu trong hệ thống là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), doanh nghiệp được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2009 - 2013 và giữ ổn định từ năm 2014 đến 2016. Trong ba năm này, doanh thu thuần của TNG đạt trên 3.800 tỉ đồng mỗi năm với lợi nhuận quanh mốc 800 tỉ đồng. 

Mặc dù không tăng trưởng như giai đoạn trước đó, duy trì doanh thu không giảm của Trung Nguyên đã được xem là thành công. 

Tuy nhiên, nếu nói việc tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo không có ảnh hưởng cũng chưa chính xác. Thực tế tăng trưởng của các công ty này cũng có những giai đoạn bị chững lại. 

Năm 2015 - năm đầu tiên phát sinh tranh chấp, lợi nhuận trước thuế của Cà phê hòa tan Trung Nguyên giảm gần 34%, với doanh thu chỉ tăng 19%. 

Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát Cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị phụ trách sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan G7, vận hành nhà máy tại Bình Dương kéo dài từ cuối 2015. 

Trong văn bản gửi tòa án, ông Vũ lấy tư cách là người điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đã ban hành một số văn bản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Thảo sau đó lại có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính của những ảnh hưởng kia là có sự tranh chấp giữa vợ chồng bà.

Một doanh nghiệp khác là Cà phê Trung Nguyên cũng chịu ảnh hưởng tương tự, khi lợi nhuận trước thuế giai đoạn này chỉ đạt hơn 46 tỉ, giảm một nửa so với năm trước đó. Nguyên nhân chính vẫn là những vấn đề xoay quanh cuộc chiến "tranh quyền" giữa vợ chồng ông Vũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn